Bị bỏng nặng vì dùng miếng dán giữ nhiệt

Ưu điểm của miếng dán giữ nhiệt là tiện dụng, làm ấm nhanh lại không khói nên được nhiều người ưa dùng. Thế nhưng, nó lại có thể gây bỏng nhất là đối với làn da mỏng, nhạy cảm.

Chị em chuộng miếng dán sưởi ấm

Nhằm đối phó với cái lạnh giá của mùa đông, nhiều chị em đã nhanh chóng tìm mua sản phẩm sưởi ấm cho mình và người thân trong gia đình. Với ưu điểm tiện dụng và khả năng làm ấm nhanh, miếng dán giữ nhiệt được các bà nội trợ ưu chuộng, đặc biệt là những gia đình có người già và trẻ nhỏ.

Mỗi khi đông đến, chị Hồng Lĩnh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) lại sốt sắng chuẩn bị đồ sưởi ấm cho hai cậu con trai nhằm xua bớt đi cái lạnh của mùa đông. Nghe nhiều mẹ ca ngợi công dụng của miếng dán giữ nhiệt chị liền lên mạng tìm hiểu rồi mua về cho con dùng thử.

Dán trực tiếp lên da, sau khi sử dụng vài lần chị thấy miếng dán giữ nhiệt quả nhiên tốt như lời "đồn thổi" và hai con đều rất thích dán miếng giữ ấm lên người nên chị cho con dùng "thỏa sức". Bỗng một hôm chị phát hiện đầu gối con trai có một vùng thâm đen lớn. Nghĩ đơn thuần trẻ nhỏ đùa nghịch va đập làm tím chân nên chị bỏ qua. Tuy nhiên, mãi không thấy vết tím tan chị liền đưa con đi khám, bác sĩ kết luận vùng da đó bị bỏng.

Thừa nhận với bác sĩ ngoài việc sử dụng miếng dán giữ nhiệt cho con trong khoảng thời gian dài con chị không bị tác động nhiệt nào khác. Bác sĩ cho biết nguyên nhân gây bỏng có thể là do lạm dụng miếng dán giữ nhiệt.

Bị bỏng nặng vì dùng miếng dán giữ nhiệt - 1

Rất nhiều mẹ đã sử dụng miếng dán giữ nhiệt để giữ ấm cho con

Cũng ưa chuộng miếng dán giữ nhiệt như chị Hồng Lĩnh và đã quen dùng từ mùa đông năm ngoái. Năm nay, mới chớm đông chị Thu Thảo sinh viên trường đại học ở Cầu Giấy, Hà Nội đã nháo nhào săn tìm sản phẩm tốt.

Mấy hôm trước, chị mua được 2 túi 20 miếng dán để chống lạnh. Nhưng mới dùng được mấy miếng dán trong vài hôm lạnh, chị Lĩnh đã thấy vùng da lưng, bị thâm tím như cháy. Không rõ vì nguyên nhân gì chị đi khám thì được bác sĩ cho biết chị bị bỏng do sử dụng miếng dán kéo dài.

Ngoài chị Hồng Lĩnh, Thu Thảo rất nhiều chị em ưa dùng miếng dán giữ nhiệt, không những dùng cho bản thân, đa số các chị mua gia đình cùng sử dụng bỏ ngoài tai lời khuyến cáo của chuyên gia. Hậu quả là làm bỏng da.

Dễ bị bỏng dù ở nhiệt độ thấp

Không thể phủ nhận ưu điểm miếng sưởi ấm mùa đông là tiện dụng, có khả năng làm ấm nhanh lại không khói nên được nhiều gia đình ưa dùng, đặc biệt khi sử dụng cho người già và trẻ nhỏ. Cũng chính vì lý do đó mà nhiều người có thói quen lạm dụng, sử dụng sai cách dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Miếng dán sưởi ấm được sản xuất dựa trên nguyên lý phản ứng ôxy hóa kim loại từ đó sinh ra nhiệt làm ấm. Các chất chính có trong miếng dán là bột sắt, nước, clorua kali, than hoạt tính, muối… Phản ứng ôxy hóa bột sắt sẽ cho nhiệt độ nóng khác nhau tùy vào mức độ các chất trong đó. Vì vậy, sử dụng miếng dán giữ nhiệt không đúng cách người sử dụng rất dễ bị bỏng.

Miếng dán giữ nhiệt các thể loại đang được bán rộng rãi trên thị trường. Nếu dùng đúng cách thì sẽ có hiệu quả và tránh được nguy hại cho sức khỏe.

BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (BV Xanh Pôn – Hà Nội) cho biết, khoa đã từng gặp trường hợp sử dụng miếng sưởi ấm không đúng cách gây bỏng ở nhiệt độ thấp. Một số ca vô tình gây bỏng do rò chảy nước ở túi chườm nóng.

Có trường hợp dùng miếng dán giữ nhiệt quá lâu ở gan bàn chân, khi lật ra xem thì vùng da ở chỗ đặt miếng dán bị bỏng. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ bản của miếng dán giữ ấm không cao, nên loại bỏng này gọi là bỏng ở nhiệt độ thấp.

Về mặt lý luận cứ nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể đều có khả năng dẫn đến bỏng ở nhiệt độ thấp. Thông thường da tiếp xúc ở nhiệt độ 70oC liên tục trong 1 phút sẽ bị bỏng, còn khi da tiếp xúc với nhiệt độ gần 60oC liên tục trên 5 phút cũng có thể gây ra bỏng. Bỏng ở nhiệt độ thấp là chỉ nhiệt độ trong khoảng 50oC, nguồn nhiệt ở trong cơ thể thời gian quá lâu, nhiệt năng sẽ dần dần thẩm thấu vào trong mô mềm từ đó gây ra vết thương bỏng.

Bác sĩ Thống khuyến cáo, da tiếp xúc với miếng dán giữ nhiệt ở nhiệt độ dưới 44oC thì không bị tổn thương nhưng nếu tiếp xúc lâu cũng dễ bị bỏng. Da sẽ xuất hiện tấy đỏ, phồng rộp, tróc da hoặc nhợt nhạt.

Vì vậy, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng miếng dán giữ nhiệt. Chỉ nên dùng cho người lớn khi nhiệt độ môi trường xuống rất thấp. Không nên dán trực tiếp vào da, nên dán qua một lớp áo. Tránh sử dụng ở một vị trí trong một thời gian dài, luôn luôn chú ý quan sát tình trạng da, ngăn chặn nhiệt độ cục bộ quá cao gây ra bỏng ở nhiệt độ thấp. Tốt nhất là dùng ở khoảng 40oC.

Người dùng cũng phải tham khảo kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc có thể hỏi thêm tư vấn của bác sĩ để biết cách sử dụng sản phẩm hiệu quả nhất, tránh gây nguy hiểm cho mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hường (Tri thức trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN