Bị bệnh tim vẫn “vượt cạn”
Những người có bệnh tim cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai để được đánh giá tình trạng bệnh.
Với thực tế điều trị hiện nay, quan điểm phụ nữ bị bệnh tim không nên lấy chồng và nếu lấy chồng thì không nên sinh con đã trở nên lạc hậu. Nhiều phụ nữ sinh con khỏe mạnh sau khi thay van tim, thậm chí sinh con bình thường sau mỗi lần mổ tim.
Sinh con bình thường sau phẫu thuật tim
Có bầu hơn 3 tháng, chị Phạm Thị T. (26 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc) đi khám thì nhận được lời khuyên nên bỏ thai nhi để bảo đảm sức khỏe cho mẹ bởi chị mắc bệnh tim khá nặng. Thế nhưng với khao khát được làm mẹ, chị T. tìm đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện (BV) E, các bác sĩ chẩn đoán chị bị thông liên nhĩ lỗ lớn. Hiện chị mang bầu tháng thứ 5, được nhập viện theo dõi sức khỏe và điều trị chờ ngày sinh nở an toàn.
Năng lực điều trị hiện nay cho phép những phụ nữ bị bệnh tim được làm mẹ
Trước đó, sản phụ Nguyễn Thị Thanh H. (28 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ) đã sinh con tại BV này sau lần mổ tách van hai lá và thay van tim. Tháng 7-2010, khi có chỉ định thay van tim, các bác sĩ đã tư vấn chị H. thay van tim sinh học để có cơ hội sinh con. Theo chị H., vào thời điểm thay van tim, chồng chị động viên cứ mổ thay van tim, sống được là mừng rồi mà chẳng cần sinh con nhưng được bác sĩ giải thích, động viên nên khi quyết định có con, hai vợ chồng đã tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Sau những ngày tháng lo lắng, cuối năm 2012, chị H. sinh hạ được một bé trai khỏe mạnh. Sau thời gian theo dõi hậu phẫu, sức khỏe chị H. diễn biến bình thường nên được xuất viện như các sản phụ khác.
Cách đó không lâu, một sản phụ ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị bệnh hẹp van hai lá từ năm 19 tuổi và đã được mổ tách van tim. Sau 4 năm, chị này lấy chồng và sinh con trai đầu lòng. Mười năm sau ca mổ lần đầu, chị được mổ lần hai để thay van và sau đó lại sinh cháu thứ hai khỏe mạnh.
Nhiều quan niệm sai lầm
PGS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm Tim mạch - BV E, cho rằng quan điểm phụ nữ bị bệnh tim không nên lấy chồng và nếu lấy chồng thì không nên sinh con đã trở nên lạc hậu và không đúng với thực tế điều trị tim mạch hiện đại. Tại trung tâm đã điều trị thành công nhiều trường hợp phụ nữ bị bệnh tim khá nặng “vượt cạn” an toàn.
Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng bệnh tim mạch nói chung và van tim nói riêng là những bệnh lý rất nguy hiểm bởi trong thai kỳ, những thay đổi sinh lý (tăng nhịp tim, giảm huyết áp…) ảnh hưởng đến hệ tim mạch, bắt tim phải tăng cường hoạt động. Với người bình thường, tim có thể thích nghi với thay đổi này trong khi tim mắc bệnh có thể bị quá tải. Sự thay đổi có thể khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, nhức đầu nhẹ trong suốt thai kỳ. Vì vậy, có một số người mẹ không biết mình mắc bệnh tim mạch cho đến khi có thai, do vậy những thay đổi này có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. “Thế nhưng trên thực tế, những phát hiện và điều trị hiện nay cho phép người bị bệnh tim có quyền làm vợ và làm mẹ mà không ảnh hưởng tới tính mạng. Điều quan trọng là những bệnh nhân này cần được khám chuyên khoa tim mạch sâu trước và trong quá trình mang thai, khi sinh nở và ngay sau khi sinh” - ông Thành nhấn mạnh.
Bác sĩ Nghiêm Thị Hồng Thanh, Khoa Sản BV E, cho biết vào những tháng cuối của thai kỳ, sản phụ Nguyễn Thị Thanh H. (ở Phú Thọ) đã được theo dõi tại BV vì tới lúc gần sinh, lưu lượng tuần hoàn tim tăng gấp đôi bình thường. Đây là gánh nặng cho tim, nhất là với van tim sinh học. Bệnh nhân đã được chỉ định mổ sinh vì với tình trạng sức khỏe của sản phụ H. nếu sinh thường dễ bị phù phổi cấp, suy tim cấp… Tuy vậy, không phải mọi sản phụ có bệnh tim cần được sinh mổ. Đa số sản phụ có thể sinh thường một cách an toàn nếu không có chỉ định sinh mổ của sản khoa.
Giới chuyên môn cũng khuyến cáo những phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp mà chưa được chữa trị hoặc đã có tăng áp lực động mạch phổi thì không nên mang thai vì điều đó sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của mẹ. Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý với những người có bệnh tim cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai để đánh giá tình trạng bệnh, mức độ an toàn khi mang thai, nguy cơ đối với mẹ và thai nhi, có cần điều trị bệnh ổn trước khi có thai không… bởi những gia đình mà bố hoặc mẹ có bệnh tim bẩm sinh thì con sẽ có nguy cơ mắc tim bẩm sinh cao hơn những gia đình khác.
Đừng để tăng cân quá nhiều Giới chuyên môn khuyến cáo trong thai kỳ, người mẹ phải khám thai theo đúng lịch để theo dõi và xử trí kịp thời các sự cố, uống thuốc theo đúng toa bác sĩ. Với thai phụ, việc theo dõi cân nặng là cần thiết bởi người mẹ tăng cân theo sự phát triển của thai nhi nhưng tăng cân quá nhiều là một gánh nặng cho tim. Ngoài ra, để ngừa tình trạng huyết khối, thai phụ nên tránh thói quen bắt chéo chân, nên thay đổi tư thế thường xuyên, luân phiên co duỗi 2 chân, thỉnh thoảng đi lại để máu dễ hồi lưu về tim. Cố gắng kiềm chế các cảm xúc như lo lắng, xúc động… Việc sinh con của người mẹ mắc bệnh tim mạch thường có nguy cơ cao nên cần sinh con tại một cơ sở y tế đủ điều kiện theo dõi và xử trí trong quá trình chuyển dạ. |