Bệnh Whitmore ăn mòn cơ thể có lây từ người sang người?
Trước những ca bệnh cực kỳ nguy hiểm do vi khuẩn Whitmore gây ra, nhiều người lo ngại và thắc mắc: Liệu vi khuẩn này có lây từ người sang người?
Vừa qua BV Sản Nhi Nghệ An đã phát hiện và điều trị cho 3 bệnh nhi mắc bệnh Whitmore. Trước đó, chỉ trong tháng 8, Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin có 4 người tử vong vì vi khuẩn này.
Các bác sĩ cảnh báo, hiện tại đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn Whitmore phát triển.
Trước những ca bệnh cực kỳ nguy hiểm do vi khuẩn Whitmore gây ra, nhiều người lo ngại và thắc mắc: Liệu vi khuẩn này có lây từ người sang người?
BV Sản Nhi Nghệ An đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng bệnh Whitmore.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, bệnh Whitmore không phải là hiếm, bệnh thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch. Tuy nhiên, bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người.
Chủ yếu là vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước sinh hoạt do tai nạn.
“Bản chất của vi khuẩn Whitmore gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Đơn cử như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi - virus này gây ra tổn thương ở phổi giống như là tụ cầu, của bệnh lao nên làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán. bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người”, GS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong số riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca whitmore nặng được chuyển đến Bệnh viện chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân được nhập viện từ chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa,... Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…
Tuy nhiên, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là 1 trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do whitmore còn cao, lên tới 40%.
Các chuyên gia khuyến cáo, Whitmore hiện chưa có vaccine phòng bệnh, việc phòng ngừa hiện nay vẫn chủ yếu ở thói quen của người dân. Người dân cần hạn chế tiếp xúc khi trầy, xước da. Khi bị thương cần rửa sạch, sát trùng vết thương. Mọi người hạn chế tới những nơi nghi có nguồn bệnh; thực hiện ăn chín, uống sôi.
Ngoài ra, khi phát hiện thấy có những dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, nổi mụn mủ bất thường… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, xét nghiệm.
Bệnh Whitmore cực kỳ nguy hiểm, nhiều bác sĩ cũng chẩn đoán nhầm bệnh Whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi…