Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ phiên vì sắp cạn vật tư: Bác sĩ lo bệnh nhân đau đớn
Theo lãnh đạo BV Việt Đức, với tình trạng cạn vật tư y tế hiện nay, những bệnh nhân không thuộc đối tượng cấp cứu sẽ phải chờ đợi trong đau đớn.
Thông tin từ BV Việt Đức từ ngày mai (1/3), Bệnh viện sẽ hạn chế các ca mổ phiên để ưu tiên vật tư, hoá chất cho việc mổ và điều trị các trường hợp cấp cứu.
Theo lãnh đạo BV, với tình trạng này, người bệnh quá thiệt thòi, tuy không phải bệnh cấp cứu nhưng họ cũng phải chịu đau đớn, chờ đợi lịch mổ. Bệnh viện không có vật tư, hóa chất, không thể phẫu thuật.
GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: VGP/Quang Thương
Là bệnh viện ngoại khoa hàng đầu, trong năm 2022, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thực hiện số lượng khám, chữa bệnh và phẫu thuật khổng lồ, lên đến hơn 79.000 ca mổ. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân đến chờ để được điều trị tại đây cũng rất lớn. Trong khi đó, bệnh viện hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế.
Trước đó, ngày 23/2, tại buổi tọa đàm “Ngành y vượt khó nhằm tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại”, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, các bệnh viện lớn trên toàn quốc hầu như đã hết vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm cũng hết. Bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế...
Cụ thể, bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...
"Hiện tại hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đã họp nhưng rất khó khăn", ông Giang cho biết.
Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, chi phí xét nghiệm khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng và chi phí đầu tư cho hệ thống xét nghiệm lên tới 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng. Nhưng hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn.
"Đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", làm sao để tháo gỡ sớm vì chỉ còn khoảng 1 - 2 tuần nữa, các bệnh viện sẽ gần như không làm được. Các vật tư tiêu hao phục vụ mổ cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết", lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói.
Không riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, hiện các bệnh viện lớn trên toàn quốc, hầu như vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh và hóa chất xét nghiệm sử dụng cho việc chẩn đoán và điều trị đã cạn kiệt.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày có từ 8.000 - 10.000 người đến khám và điều trị nội trú cho khoảng 4.000 người. Đặc biệt, khác với mọi năm, năm nay, ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng đột biến. Trong khi đó, thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện hiện thiếu trầm trọng.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, tại các bệnh viện đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế. Nguyên nhân của vấn đề này bao gồm cả khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân chủ quan, quy định mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có rất nhiều văn bản pháp luật chi phối, từ Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Tài sản công, Luật Dược và các nghị định, thông tư hướng dẫn, nên có những vướng mắc liên quan đến thể chế không thể sửa đổi được ngay, vì vậy thời gian bị kéo dài.
"Một nguyên nhân nữa là trong quá trình thực hiện vừa qua, đã có rất nhiều sai phạm liên quan đến lĩnh vực mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Chính vì vậy, chúng tôi phải rà soát, đánh giá lại việc triển khai, để làm sao thực hiện đúng quy định, mua sắm được trang thiết bị, vật tư y tế mà không vi phạm pháp luật", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ ngày 1-3 tới, Bệnh viện Việt Đức sẽ hạn chế các ca mổ phiên để ưu tiên vật tư, hoá chất cho việc mổ và điều trị các trường hợp cấp cứu.