Bệnh viện cùng hạng sẽ có chung mức viện phí
Khám chữa bệnh ở các bệnh viện (BV) cùng hạng, bệnh nhân sẽ thanh toán tiền điều trị như nhau chứ không phải trả khác nhau theo quy định của từng tỉnh. Đây là vấn đề mà ngày 13.1 Bộ Y tế đưa ra bàn thảo để thực hiện quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Không để cùng dịch vụ, nơi thu thêm tiền, nơi không
Theo ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), thời gian qua 63/63 tỉnh thành đã hoàn tất việc điều chỉnh giá một số dịch vụ theo Thông tư 04 ban hành năm 2012. Bộ Y tế chỉ ban hành khung giá, còn giá dịch vụ cụ thể phụ thuộc vào quyết định của UBND các tỉnh, thành phố. Do đó, dẫn đến tình trạng có nơi đạt đến 95% khung giá tối đa, có tỉnh lại chỉ đạt hơn 60%.
“Cùng một hạng BV, cùng dịch vụ, cùng trình độ kỹ thuật, khấu hao vật tư như nhau nhưng BV hạng I ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh lại khác ở Hải Phòng, Đà Nẵng, BV tuyến tỉnh ở đồng bằng khác miền núi… Điều này gây mất bình đẳng trong thanh tóan chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân. Cụ thể, cùng đóng BHYT, cùng một dịch vụ nhưng bệnh nhân ở tỉnh A được BHYT thanh toán 3- 4 triệu đồng nhưng tỉnh B chỉ được thanh toán 2 triệu đồng. Nếu BHYT thanh toán thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh, quyền lợi không đảm bảo” – ông Liên nhấn mạnh.
Cụ thể như tỉnh Tây Ninh đang điều chỉnh giá dịch vụ ở mức hơn 60% mức giá tối đa theo Thông tư 04. Lý do mà UBND tỉnh đưa ra là đời sống của bà con còn khó khăn, tỷ lệ tham gia BHYT thấp (57%). Tuy nhiên, khi giá dịch vụ y tế thấp thì nhiều người lại không muốn mua BHYT (vì số tiền phải thanh toán khi khám chữa bệnh không đáng kể). Việc thanh toán BHYT thấp cũng gây thiệt thòi cho BV khi không có kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng quỹ dự phòng… “Trước đây chỉ sửa cửa, sơn phòng khám, các BV đều phải trình lên trên, đợi phê duyệt. Nếu được điều chỉnh lên 80-85% mức tối đa thì các BV Tây Ninh sẽ tự chủ hơn về mặt tài chính” – bác sĩ Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh bày tỏ.
Để giải quyết bất cập này, ông Liên cho biết, Bộ đang xây dựng thông tư thực hiện quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính giá dịch vụ theo hạng BV. Theo đó, các dịch vụ như: Xét nghiệm, chiếu, chụp, chẩn đoán hình ảnh, các thủ thuật, tiểu thủ thuật thông thường… sẽ quy định mức giá bằng nhau giữa các BV cùng hạng. Đối với dịch vụ kỹ thuật cao, dịch vụ có sự khác biệt giữa các hạng BV thì giá của mỗi hạng BV chênh lệch 5%... Còn đối với dịch vụ y tế vẫn quy định theo Thông tư 03 (năm 2006) thì điều chỉnh ở mức tối đa khung giá của Thông tư 03 vì mức giá đã rất thấp…
Như vậy, theo dự thảo thông tư mới, các BV hạng đặc biệt và hạng I trực thuộc Bộ Y tế có mức giá điều chỉnh giảm bình quân từ 94,5% xuống còn 92% so với mức giá tối đa Thông tư 04. Giá của các bệnh viện thuộc tỉnh Cao Bằng, Đồng Nai, Sơn La, Đồng Tháp, Long An, Hòa Bình, Khánh Hòa hiện đang tăng bình quân hơn 90% cũng phải điều chỉnh giảm xuống.
Kéo giá hàng loạt dịch vụ
Ngoài ra, trong danh mục dịch vụ mới nhất trong dự thảo thông tư, Bộ Y tế cũng dự kiến điều chỉnh giảm giá 18 dịch vụ về ngày điều trị hồi sức tích cực, xét nghiệm máu, thận nhân tạo. Đây là các dịch vụ mà hầu hết BV đặc biệt và hạng I đều quy định mức tối đa hoặc đến 90-95%. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã “vít” xuống chỉ còn từ 40-87%.
Cụ thể: Dịch vụ thẩm tách siêu lọc máu có mức giá tối đa là 3.200.000 đồng thì nay chỉ còn 1.280.000 đồng; phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco từ 2 triệu đồng/mắt còn 1,5 triệu đồng; xét nghiệm sinh hóa từ 26.000 đồng/chất xuống còn 15.000 đồng; định lượng sắt huyết thanh từ 42.000 đồng xuống 22.000 đồng… Mức giảm trung bình từ 30- 40% so với giá hiện hành, dự kiến cũng được áp dụng cho tất cả các hạng bệnh viện.
Liên quan tới điều chỉnh giảm giá dịch vụ, ông Lê Lâm – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư nhận định: “3 dịch vụ về xét nghiệm máu như Định lượng D-Dimer, Prrotein S, Protein C bị hạ từ 220.000 đồng xuống còn 180.000 đồng là không đủ vật tư để làm, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Với giá tiền đó chúng tôi chỉ có thể “ăn bớt” các khâu hoặc thu thêm của người bệnh. Như vậy, bệnh nhân cũng không được lợi” – ông Lâm cho biết.
GS-TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cũng chia sẻ, nhiều dịch vụ đang được định giá quá thấp. Đơn cử như phẫu thuật tim hở, phẫu thuật động mạch chủ bụng tối thiểu mất 15-20 sợi chỉ (khoảng 65.000 - 80.000 đồng/sợi) nếu quy định hơn 2 triệu đồng/dịch vụ thì chỉ đủ tiền mua chỉ. Như vậy, nếu BHYT thanh toán không đủ, bệnh nhân sẽ phải là người trả thêm” – ông Quyết nhấn mạnh. Theo ông Quyết, hiện các nước tiên tiến như Đức, Pháp chỉ quy định khung giá cho khoảng 3.000 dịch vụ y tế, còn cụ thể như thế nào do các BV tự chia. Còn hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng quá chi tiết tới 17.000-18.000 dịch vụ, sẽ rất khó cho cả bệnh viện lẫn bệnh nhân.
Theo ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự thảo này chỉ điều chỉnh đối với người tham gia BHYT. Còn đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT thì theo mức giá do UBND tỉnh quy định, tuy nhiên, các địa phương có thể tham khảo mức giá này để xây dựng mức giá cho phù hợp. |