BV Bạch Mai cấp cứu gần 1.000 ca đột quỵ trong một tháng, có ca chỉ mới 14 tuổi
Bệnh nhân 14 tuổi đến viện với biểu hiện đau đầu và được các bác sĩ phát hiện dị dạng mạch não.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa cho biết, trong một tháng qua, Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó có tới 10% là bệnh nhân trẻ (dưới 44 tuổi). Hiện trong trung tâm có khoảng 10 ca là bệnh nhân trẻ, có ca chỉ mới 14 tuổi.
Bệnh nhân 14 tuổi đến viện với biểu hiện đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động. Chụp cắt lớp các bác sĩ đã phát hiện dị dạng mạch não, nên được các bác sĩ can thiệp tích cực.
Một bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại bệnh viện.
Theo PGS. Mai Duy Tôn, đột quỵ hay tai biến mạch máu não là đột quỵ não, gồm 2 dạng: xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ) và thiếu máu cục bộ não xảy ra khi mạch máu đưa lên não hoặc trong não bị nghẽn do huyết khối, thành mạch xơ vữa.
Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ.
Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Biện pháp sơ cứu chủ yếu là đảm bảo hô hấp tốt: thông thoáng, không có dị vật, không bị sặc..., kiểm soát huyết áp. Đồng thời nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, hạn chế di động vùng đầu bệnh nhân, chứ không phải "đừng bao giờ di chuyển nạn nhân".
Cụ thể:
Khi phát hiện một người nghi ngờ bị đột quỵ cần:
- Gọi người xung quanh đến hỗ trợ
- Đặt bệnh nhân nằm xuống giường hoặc nền cứng, nới bỏ quần áo, các vật có thể gây chèn ép vùng cổ tránh ảnh hưởng đến hô hấp
- Tư thế đặt bệnh nhân đầu cao, khoảng 20-30 độ so với mặt phẳng, nên quay đầu bệnh nhân sang một bên. Trong trường hợp bệnh nhân có rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, nôn sặc để không may bệnh nhân bị nôn thì sẽ nôn ra ngoài
Tránh tình trạng để nằm ngửa khi bệnh nhân nôn ra sẽ hít phải toàn bộ chất nôn, chất tiết vào đường hô hấp gây nguy hiểm tính mạng.
Nếu được chúng ta nên tháo hết răng giả, vật trong miệng, dùng khăn lau sạch chất tiết ở mũi, miệng bệnh nhân tránh làm tắc nghẽn đường thở của người bệnh.
- Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống ngậm bất kỳ thuốc gì. Vì khi bệnh nhân đột quỵ có thể bị rối loạn ý thức, rối loạn phản xạ nuốt nếu cho bệnh nhân ăn, uống có thể gây sặc, và gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.
- Nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để bác sĩ đến đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất và có khả năng điều trị chuyên sâu về đột quỵ.
Những dấu hiệu của đột quỵ: Đột ngột tê hay yếu của mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể; Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói; Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên; Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác; Đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân.
Nguồn: [Link nguồn]
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng khoảng 15-30%.