Bệnh Viêm não Nhật Bản: Những điều cha mẹ cần phải biết để bảo vệ con

20-30% người sống sót sau viêm não Nhật Bản có thể gặp các di chứng vĩnh viễn về nhận thức, hành vi như giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần. Vắc-xin phòng bệnh hiện có thể tiêm sớm từ 9 tháng tuổi.

Những di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên, thường lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi Culex.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm não Nhật Bản là nguyên nhân hàng đầu gây viêm não, tàn tật và tử vong ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Ước tính mỗi năm thế giới có khoảng 100.000 ca, trong đó hơn 25.000 ca tử vong.

Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% ở những người có triệu chứng bệnh. Trong số những người sống sót, 20–30% bị di chứng vĩnh viễn về nhận thức, hành vi hoặc thần kinh như co giật, mất thính lực hoặc thị lực, các vấn đề về lời nói, ngôn ngữ, trí nhớ và giao tiếp hoặc yếu chân tay.

Tại Việt Nam, các tỉnh thành ghi nhận số ca mắc xảy ra quanh năm. Cụ thể tháng 7/2024, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị 2 bệnh nhi là bé gái hơn 3 tuổi ở Bắc Kạn và bé trai 14 tuổi ở Hưng Yên gặp biến chứng nặng do mắc viêm não Nhật Bản, phải điều trị tăng áp lực nội sọ. Trước đó, cả hai xuất hiện sốt cao liên tục, co giật, liệt tứ chi.

Thống kê của bệnh viện này, trong 92 ca viêm não Nhật Bản năm 2022, tỷ lệ trẻ gặp di chứng do viêm não Nhật Bản nhẹ và nặng lên đến 50%. Các di chứng thường gặp là rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường….

Viêm não Nhật Bản thường gặp nhất ở trẻ dưới 15 tuổi. Ảnh: Shutterstock

Viêm não Nhật Bản thường gặp nhất ở trẻ dưới 15 tuổi. Ảnh: Shutterstock

Ngoài để lại các di chứng, người bệnh và gia đình phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị bệnh, tốn kém chi phí liên quan rất lớn. Một nghiên cứu thu thập dữ liệu của 242 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Pasteur TP HCM trong vòng 10 năm sau khi xuất viện cho thấy có 55 bệnh nhân gặp di chứng cấp tính (chiếm tỷ lệ khoảng 22,7%), 99 bệnh nhân gặp di chứng dài hạn (chiếm tỷ lệ khoảng 40,9%). Độ tuổi mắc bệnh dao động từ 0 đến 78 tuổi với độ tuổi trung bình là 8,6 tuổi.

Các hộ gia đình mất trung bình 64,2 ngày làm việc để tìm kiếm sự chăm sóc hoặc chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn cấp tính đồng thời vay tiền để trang trải các chi phí liên quan. Trong nhóm cấp tính, 60% các gia đình vay trung bình 4.029 USD (hơn 100 triệu) bao gồm cả lãi. 81% người khảo sát thừa nhận rằng gia đình bị căng thẳng và sợ hãi nghiêm trọng do căn bệnh này.

Tiêm vắc-xin là cách phòng viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết viêm não Nhật Bản thường khởi phát với triệu chứng sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kém đáp ứng thuốc hạ sốt, kèm đau đầu, buồn nôn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân dần dần rối loạn tri giác, co giật, thường co giật toàn thân, gồng duỗi hoặc ưỡn, rối loạn nhịp thở, tiêu tiểu không tự chủ. Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng đến hôn mê và tử vong. Tuy nhiên, giai đoạn đầu của bệnh dễ nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường, dễ dẫn đến nhập viện muộn, điều trị khó khăn.

Theo bác sĩ Chính, viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm, xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 15 tuổi. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều ở mức độ nhẹ như sốt và nhức đầu hoặc không có triệu chứng rõ ràng, nhưng khoảng 1 trong 250 trường hợp nhiễm trùng dẫn đến bệnh lâm sàng nghiêm trọng. Thời gian ủ bệnh là 4–14 ngày.

Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại VNVC. Ảnh: Kim Oanh

Tiêm vắc-xin cho trẻ em tại VNVC. Ảnh: Kim Oanh

Bác sĩ Chính lưu ý, ổ chứa virus viêm não Nhật Bản là các loài gia súc như lợn, ngựa và chim. Khi muỗi đốt các loài động vật có mang virus, sau đó đốt người sẽ truyền virus viêm não Nhật Bản sang người. Muỗi Culex truyền virus viêm não Nhật Bản có thói quen hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở nước ta, nhất là vùng đồng bằng và trung du.

Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh chủ yếu tập trung điều trị các triệu chứng như chống phù nề não, an thần cắt cơn giật, hạ nhiệt, hồi sức hô hấp và tim mạch, chống bội nhiễm… Để phòng bệnh, người dân cần giữ nơi ở thông thoáng và sạch sẽ, ngủ mùng, mặc quần áo dài khi trời tối, duy trì khoảng cách giữa chuồng trại và chuồng gia súc với nhà ở tối thiểu khoảng 50 mét và cần thường xuyên làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi Culex.

Hiện Việt Nam đang phổ biến 2 loại vắc xin phòng viêm não Nhật Bản: vắc xin bất hoạt nuôi cấy từ não chuột (dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng) và vắc xin sống giảm độc lực tái tổ hợp (trong tiêm chủng dịch vụ). Trong đó, vắc xin viêm não Nhât Bản bất hoạt nuôi cấy từ não chuột tiêm từ 12 tháng tuổi, lịch tiêm 3 mũi, sau đó nhắc lại mỗi 3 năm một lần. Còn vắc xin viêm não Nhât Bản sống giảm độc lực tái tổ hợp là vắc xin thế hệ mới, có thể tiêm sớm cho trẻ ngay từ 9 tháng tuổi, khả năng bảo vệ sớm và lâu dài với số mũi tiêm ít hơn. Trẻ từ 9 tháng đến 18 tuổi chỉ cần tiêm một mũi cơ bản và một mũi nhắc lại cách mũi đầu 12-24 tháng. Với người từ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất.

Lịch tiêm nhắc lại của vắc xin bất hoạt nuôi cấy từ não chuột khá phức tạp, có thể khiến nhiều bậc phụ huynh quên hoặc nhầm lẫn rằng chỉ cần tiêm 3 mũi cơ bản là đủ. Thực tế đã ghi nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản do chưa tiêm nhắc lại vắc xin đầy đủ. Cụ thể, tháng 6 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận bệnh nhi 12 tuổi với biểu hiện ban đầu là sốt cao, đau đầu, cứng gáy, đi lại loạng choạng (6).

Do đó, nếu trẻ đã từng tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin bất hoạt nuôi cấy từ não chuột trong chương trình tiêm chủng mở rộng, có thể tiêm nhắc cho trẻ với 1 liều duy nhất vắc xin viêm não Nhật Bản sống giảm độc lực thế hệ mới để duy trì hiệu quả bảo vệ lâu dài cho trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Oanh ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN