Bệnh “tử” do não mô cầu và lưu ý phòng tránh cho trẻ nhỏ

Bệnh do não mô cầu còn được gọi là bệnh “tử” bởi có đến 1 trong số 10 người sẽ tử vong dù được điều trị tích cực. 1 trong 5 người còn sống phải chịu các di chứng nặng nề như cắt cụt tay chân, điếc, thiểu năng trí tuệ… Phụ huynh cần nắm rõ những điểm “mấu chốt” phòng bệnh sau đây để tránh di chứng đáng tiếc xảy ra cho bé yêu.

Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Vi khuẩn này có thể gây ra viêm màng não, nhiễm trùng huyết hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc gần gũi với người mang vi khuẩn. Đây là một bệnh có diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh do não mô cầu nguy hiểm như thế nào?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc bệnh do não mô cầu và 135.000 ca tử vong do vi khuẩn não mô cầu. Tại Việt Nam, theo báo cáo thống kê bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế năm 2016, bệnh do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất Việt Nam, với tỷ lệ 0,006/100.000 dân. Mỗi năm, nước ta vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc bệnh do não mô cầu.

Bệnh do não mô cầu nguy hiểm bởi có thể gây tử vong trong 24 giờ nhưng các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng giống như nhiễm khuẩn đường hô hấp khác, bao gồm nhức đầu, đau họng, sốt, buồn nôn… Bên cạnh đó, dấu hiệu phát ban điển hình của bệnh có thể không xuất hiện dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh do não mô cầu. Nguồn: Freepik

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh do não mô cầu. Nguồn: Freepik

Ngày 12/2, Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) thông tin về trường hợp bệnh nhi (7 tuổi) có kết quả dương tính với vi khuẩn não mô cầu. Bé xuất hiện hôn mê, ngừng tuần hoàn chỉ sau vài giờ nhập viện với tình trạng tỉnh táo, ho, sốt trên 38 độ C, hiện được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh do não mô cầu tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau bệnh do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, chậm phát triển tâm thần và hành vi.

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao

Vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp khi nói chuyện, tiếp xúc gần. Tỷ lệ 10 – 20% người khỏe mạnh mang vi khuẩn trong cộng đồng khiến dịch bệnh dễ lây lan, khó kiểm soát. Các nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là:

- Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi do có hệ miễn dịch non yếu chưa hoàn thiện.

- Thanh thiếu niên thường xuyên giao tiếp xã hội, sống ở môi trường đông đúc.

- Người chưa tiêm vắc-xin.

- Người có suy giảm miễn dịch như: mắc ung thư, nhiễm HIV…

- Nhân viên y tế, quân nhân, người du lịch đến vùng dịch.

Cách nhận biết sớm triệu chứng bệnh

Bệnh viêm màng não do não mô cầu thường tiến triển nhanh chóng. Các triệu chứng cần lưu ý gồm:

- Giai đoạn đầu (1-2 ngày đầu): Sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, đau họng, mệt mỏi.

- Giai đoạn tiến triển nhanh: Cứng cổ, đau đầu dữ dội, rối loạn ý thức, phát ban đỏ tím trên da (dấu hiệu đặc trưng của sốc nhiễm khuẩn do não mô cầu).

- Ở trẻ sơ sinh: Bỏ bú, quấy khóc, co giật, thóp phồng.

Phòng bệnh chủ động – Bảo vệ trẻ ngay từ hôm nay

Tiêm ngừa khi đủ tuổi và tiêm đúng phác đồ là cách bảo vệ trẻ trước bệnh do não mô cầu. Nguồn: Parents

Tiêm ngừa khi đủ tuổi và tiêm đúng phác đồ là cách bảo vệ trẻ trước bệnh do não mô cầu. Nguồn: Parents

Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh não mô cầu, trong đó 6 nhóm A, B, C, X, Y, W là nguyên nhân của 90% các ca bệnh não mô cầu xâm lấn trên thế giới. Hiện 5 nhóm huyết thanh gây bệnh đã có vắc-xin phòng ngừa tại Việt Nam gồm nhóm ACYW của Mỹ, nhóm BC của Cuba và nhóm B của Ý.

Trong đó, vắc-xin cộng hợp tứ giá ACYW hiện đang được sử dụng ở hơn 70 quốc gia trên thế giới với hàng trăm triệu liều được sử dụng. Theo số liệu của CDC Mỹ, từ khi đưa vào sử dụng, vắc-xin cộng hợp tứ giá ACYW phòng bệnh do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính gây bệnh C, Y và W.

Ngoài tiêm vắc-xin đầy đủ cho bé, những người gần gũi trẻ như bố mẹ, anh chị em, ông bà, người chăm sóc trẻ cần chủng ngừa vắc-xin não mô cầu để tránh mắc bệnh và là nguồn lây cho bé.

Ngoài trẻ em, những người xung quanh cũng cần tiêm vắc-xin phòng bệnh do não mô cầu. Nguồn: Science

Ngoài trẻ em, những người xung quanh cũng cần tiêm vắc-xin phòng bệnh do não mô cầu. Nguồn: Science

Biện pháp vệ sinh phòng bệnh

Cần kết hợp các biện pháp phòng bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khác như súc miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn thông thường, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên, vệ sinh nhà cửa thông thoáng. Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh bệnh do não mô cầu cao hơn nên những người xung quanh cần tránh hút thuốc gần trẻ.

Lời khuyên cho phụ huynh

Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ…, cha mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không sử dụng kháng sinh bừa bãi khi có dấu hiệu bệnh. Uống đủ nước, duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhằm nâng cao đề kháng để các bệnh khác không nhân cơ hội hệ miễn dịch suy yếu tấn công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tấn Ngọc ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN