Bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại 62 địa phương. Bộ đang xem xét những vùng nào có trẻ mắc và có nguy cơ cao để can thiệp, tránh lây lan.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, mặc dù số ca mắc tay chân miệng đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng một số tỉnh, thành lượng bệnh nhân tăng cao trong đó, Hà Nội và TPHCM là nơi có nguy cơ cao về số trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Bộ đang xem xét những vùng nào có trẻ mắc và có nguy cơ cao để can thiệp, tránh lây lan.
Ông Phu nhận định, cùng với bệnh sởi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu cũng đang bùng phát, có thể dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Trao đổi với PV, PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, tháng 4, tháng 5 là tháng cao điểm nhất trong năm về bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Huy cũng cho hay, đây là thời điểm giao mùa nên độ ẩm trong không khí cao, mưa – nắng, nóng – lạnh thất thường, là điều kiện tốt cho rất nhiều loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua các con đường như hô hấp, tiếp xúc, tiêu hóa,…Ngoài ra, môi trường sống tại các thành phố quá chật hẹp, điều kiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân chưa tốt và khoa học cũng là nguyên nhân khiến bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh chóng.
Hình ảnh bọng nước xuất hiện ở bệnh nhân tay chân miệng
Theo TS Huy, triệu chứng trẻ mắc tay chân miệng là mệt mỏi, ít chơi, kém ăn, sốt, phát ban ở miệng, tay, chân Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng.
Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má.
Ban da xuất hiện trong vòng 1 đến 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, máu đỏ và một số hình thành bọng nước.Ban này không ngứa và thường cư trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân….
Trước nguy cơ, bệnh tay chân miệng lan rộng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên rửa tay bằng xà phòng; người bệnh nên che miệng và mủi khi ho hoặc hắt hơi; thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường, ít nhất 2 lần trong ngày; cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát; tránh tiếp xúc gần với người đã mắc bệnh; theo dõi và phát hiện sớm để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh và đưa trẻ đến cơ sở y tế; các nhà trẻ, mâu giáo phải có các khu vực rửa tay bằng xà phòng, có khu vực xử lý chất thải theo quy định.