Bệnh tâm thần mới: Ám ảnh mình bị HIV
Gần đây, phòng khám sức khoẻ tâm thần của Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân với căn bệnh kỳ quặc: sợ mình nhiễm HIV tới mức ám ảnh.
Điều đáng nói là bệnh nhân toàn là những người có kiến thức đủ rộng để biết con đường lây truyền HIV nhưng vẫn sợ rất viển vông.
BS Trịnh Bích Huyền thăm khám cho bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng bức.
Chị Nguyễn Thị Thúy Q. (32 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và đang công tác ở một tổ chức quốc tế) đến phòng khám sức khoẻ tâm thần với phong thái rất tự tin. Chị cho biết mình chuyên tư vấn về sức khoẻ sinh sản và trong công việc cũng phải tuyên truyền về HIV/AIDS.
Tuy nắm rõ đường lây của HIV cũng như khả năng lây nhiễm qua các con đường, nhưng gần đây không rõ do công việc căng thẳng hay vì lý do gì mà tự dưng chị luôn ám ảnh, đêm nằm mơ mình nhiễm HIV, phải điều trị bằng thuốc. Tự chị cũng cảm thấy mình bất thường khi đi gội đầu, cắt tóc ngoài hàng cũng lo lây nhiễm từ người gãi đầu cho mình lẫn cái kéo cắt tóc; ra chợ mua thịt bò cũng sợ người thái thịt bị đứt tay và nhỡ đâu có thể lây truyền virus...
BS Trịnh Bích Huyền, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua thăm khám, bệnh nhân Q. được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Khi mắc phải chứng bệnh này, bệnh nhân có thể nhận thấy những ý nghĩ ám ảnh và những hành vi cưỡng bức ấy là vô lý nhưng vẫn không thể chống lại được nó, thậm chí không thể dừng lại để có những lúc thư giãn. Ở trường hợp chị Q., dù có kiến thức về y hẳn hoi nhưng bệnh nhân cứ lo mình nhiễm bệnh một cách rất vô lý; biết mình lo vô lý nhưng vẫn không thoát ra được ý nghĩ đó.
Nhiều trường hợp giống chị Q., thậm chí đã đi xét nghiệm, cho kết quả âm tính nhưng vẫn lo, lại đi xét nghiệm tiếp... Lo quá mà chỉ ăn với đi khám, dù bác sĩ khám đã giải thích rõ các đường lây và cho rằng sự lo lắng là không có cơ sở nhưng bệnh nhân vẫn lo. Điều đặc biệt là một số bệnh nhân công tác trong ngành y, hiểu biết về HIV, tuyên truyền về HIV mà vẫn lo lắng đến kỳ quặc.
BS Trịnh Bích Huyền cho biết, người phải làm việc căng thẳng, nhiều sức ép dễ mắc chứng bệnh này. Điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức không dễ; việc điều trị cũng dai dẳng. Để hạn chế mắc rối loạn ám ảnh cưỡng bức, mọi người nên tự tìm cách cân bằng; tìm đến sự thư giãn, giải trí như đi bộ, trồng cây xanh... khi bắt đầu thấy mình có dấu hiệu stress. Khi cảm thấy căng thẳng, cũng nên chia sẻ với bạn bè, người thân, đừng khư khư giữ ý nghĩ lo lắng trong đầu. Và sau cùng, khi thấy mình có "bất thường" như lo lắng quá mức, lo đến mức vô lý... nên đi khám để được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần.