Bệnh sốt bí ẩn khiến 14 người Ấn Độ tử vong
Một căn bệnh bí ẩn tấn công 7 ngôi làng thuộc huyện Kutch, bang Gujarat, khiến 14 người tử vong, trong đó có 6 trẻ em.
Để đối phó, giới chức bang Gujarat đã triển khai các bác sĩ chuyên khoa và 50 đội y tế đến các khu vực bị ảnh hưởng, hôm 12/9.
Triệu chứng bệnh gần giống với cảm cúm. Người mắc bị cảm lạnh, ho, viêm phổi, sốt và khó thở. Kết quả điều tra lâm sàng ban đầu cho thấy ít nhất 10 bệnh nhân tử vong do tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc suy hô hấp nghiêm trọng. Hai người chết do nhồi máu cơ tim, một người bị đột quỵ não.
Bộ trưởng Y tế Rushikesh Patel triệu tập một cuộc họp tại thành phố Bhuj để đánh giá tình hình và nhanh chóng triển khai biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Theo báo cáo, từ ngày 3 đến 10/9, Bộ xác định được 48 trường hợp sốt mới trong khu vực.
Chính phủ đã chuẩn bị 100 giường cách ly, 30 máy thở và thiết bị thông khí nhân tạo không xâm nhập (BiPAP) tại Bệnh viện Đa khoa Adani G K để xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Mầm bệnh bí ẩn bùng phát ở Ấn Độ khiến nhiều người nhập viện và tử vong. Ảnh: Unplash
Bộ trưởng cũng trấn an, dù tình hình nghiêm trọng, song đây không phải là một đợt bùng phát như Covid-19. Ông kêu gọi cư dân nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu có triệu chứng. Xe cứu thương của chính phủ đã sẵn sàng vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện được chỉ định, có phương án ứng phó trong trường hợp lượng bệnh nhân tăng đột biến.
Bộ Chăn nuôi Ấn Độ cho biết đây không phải mầm bệnh lây từ động vật. Mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân đã được gửi đến Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Gujarat (GBRC) ở Gandhinagar và Viện Virus học Quốc gia (NIV) ở Pune để phân tích thêm, nhằm xác định nguyên nhân chính xác của cơn sốt.
Giới chuyên gia nghi ngờ đợt bùng phát liên quan đến những trận mưa lớn gần đây ở huyện Kutch. Bộ Y tế đã loại trừ khả năng bùng phát bệnh truyền nhiễm, với lý do không có sự lây nhiễm theo cụm.
Từ sau đại dịch Covid, Ấn Độ đã đối phó ít nhất hai đợt dịch bùng phát do bệnh sốt bí ẩn, khiến hàng chục người tử vong, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân mầm bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Nơi sinh sống của bệnh nhân mắc cúm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam thuộc khu chợ buôn bán gia cầm.