Bệnh nhi tay - chân - miệng, sốt xuất huyết tăng vọt
Dịch bệnh tăng mạnh do thời tiết gần đây đã gây ra tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo trong các bệnh viện.
Bệnh nhi tay-chân-miệng, sốt xuất huyết tăng vọt
Không riêng gì các bệnh chịu ảnh hưởng mùa mưa như viêm hô hấp, tiêu hóa. Các dịch bệnh cơ hội bao gồm sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng (TCM),… cũng gia tăng. BS Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết bệnh SXH và TCM tại TP đã bùng phát trong hai tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10.
Bệnh viện nhi quá tải
Tình trạng quá tải bệnh nhân trong tháng 9, đầu tháng 10 thêm nặng nề hơn khi lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh hô hấp, TCM tại BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 TP.HCM tăng nhanh. Hơn 60% bệnh nhi là từ các tỉnh, địa phương lân cận đổ về làm tăng thêm áp lực tại các bệnh viện.
Ghi nhận tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM sáng 7-10, mặc dù khoa hô hấp đặt ở lầu ba nhưng có rất nhiều phụ huynh phải linh động “xí chỗ” từ cầu thang lầu một đến lầu hai. Thậm chí bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nằm chật cả hành lang bệnh viện, sát nhà vệ sinh. Mọi hoạt động ăn uống, sinh hoạt di chuyển qua lại của các điều dưỡng, y bác sĩ và cả người nhà hết sức khó khăn. Nhiều phụ huynh phải chịu khó di chuyển, đưa con đến khám rồi xin về nhà do không còn giường cho bé nằm.
Theo thống kê sơ bộ, hiện mỗi ngày BV Nhi đồng 2 có đến 500-600 trẻ mắc bệnh hô hấp nằm điều trị ở hai khoa hô hấp 1, hô hấp 2 đồng thời nằm lấn sang nhiều khoa phòng khác, trong khi số giường bệnh thực tế mỗi khoa chỉ có 100 giường.
Tại khoa Hô hấp 1 BV Nhi đồng 2, chị Lê Huỳnh Trang Anh (ngụ Kiên Giang) mệt mỏi than thở: “Mình và con nằm ở khoa này hơn một tháng rồi. Gia đình, trẻ bệnh bất đắc dĩ phải nằm la liệt từ trong phòng ra tới hành lang”.
Theo quan sát của PV, có nhiều bệnh nhi rất tội nghiệp. Ngay cả nơi nằm truyền thuốc cũng không đủ, cứ 1, 2 giờ đêm là phải ra hành lang xếp hàng truyền thuốc... Nguy cơ truyền chéo từ bệnh này sang bệnh khác, bệnh chồng bệnh, càng làm gia tăng số bệnh nặng.
Số ca bệnh tăng cao khiến bệnh nhi và người nhà phải nằm ngồi từ trong phòng ra đến tận hành lang, cầu thang của BV Nhi đồng 1. Ảnh: HẢI ÂU
Tăng cấp độ bệnh tay - chân - miệng
Không chỉ các bệnh hô hấp, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho hay thống kê sơ bộ tuần cuối tháng 9 số ca mắc TCM đã tăng hơn 23% so với tuần trước. “Trong tháng 9-2016, trên toàn thành có 516 trẻ mắc bệnh TCM phải nhập viện điều trị, bệnh đã tăng gần 13% so với tháng 8. Từ đầu năm đến nay, chưa có trường hợp nào tử vong do TCM, song tổng số trẻ mắc bệnh đã lên tới gần 4.000 ca” - BS Dũng quan ngại.
Riêng tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, trước đây mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 trường hợp TCM. Nhưng những ngày qua, lượng trẻ nhập viện vì bệnh này lên đến 70-80 ca/ngày. Đáng chú ý, trước đây trẻ mắc bệnh TCM trong tình trạng nhẹ (cấp độ 1, 2) nhưng những ngày qua đã xuất hiện trẻ mắc bệnh khá nặng (cấp độ 3), bệnh diễn tiến nhanh. Lượng trẻ thở máy phải xếp hàng chờ đến lượt. Số trẻ đến khám chữa bệnh TCM tại cả khu nội trú và ngoại trú BV Nhi đồng 2 cũng tăng hơn 10% trong tháng 9.
Các bác sĩ nhận định nguyên nhân bệnh gia tăng là do trẻ mới vào đầu năm học nên những bệnh hay lây nhiễm trong môi trường học đường có cơ hội bùng phát. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết mưa nắng thay đổi liên tục và đột ngột cũng có tác động không nhỏ. Do đó, dự đoán số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện sẽ còn cao đến tháng 11, 12. Hiện tại lãnh đạo các bệnh viện nhi của TP.HCM đã cố gắng hết sức để giảm tình trạng quá tải.
Lãnh đạo BV Nhi đồng 1 cho biết để giảm tình trạng quá tải, bệnh viện đã tăng tối đa số giường tại các khoa nội tổng quát để tiếp nhận bệnh nhân hô hấp và điều phối bệnh nhân hô hấp sang các khoa khác. Đồng thời, chủ động liên hệ bệnh viện tuyến dưới để chuyển bệnh nhi đã ổn định sức khỏe về điều trị tiếp tục.
Tuy nhiên, hy vọng lớn nhất vẫn đặt vào BV Nhi đồng TP tại Bình Chánh nhanh chóng đi vào hoạt động.
Chiều 7-10, BS Đỗ Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn (TP.HCM), cho biết hai chùm bệnh TCM xảy ra tại hai trường mầm non trên địa bàn trong tháng 9-2016 đã được khống chế. “Hiện không phát hiện ca bệnh TCM mới ở hai trường mầm non nói trên. Cơ quan y tế huyện cũng giám sát chặt dịch bệnh này ở các trường học khác” - BS Trang nói. Tương tự, BS Vũ Đức Diễn, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 (TP.HCM), cho biết ổ dịch SXH trên địa bàn phường Tân Thới Nhất phát hiện trong tháng 9 cũng đã được giám sát và không phát sinh ca mới. Theo BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tháng 9, TP ghi nhận gần 516 ca nhập viện do TCM, tăng gần 13% so với tháng 8-2016 (458 ca). TP cũng ghi nhận ba chùm ca TCM trong trường mầm non khiến 25 em mắc. Riêng bệnh SXH, TP ghi nhận gần 13.000 trường hợp nhập viện điều trị trong chín tháng đầu năm 2016, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2015. Do đang vào mùa dịch nên tốc độ tăng số ca SXH khá nhanh. Tuy nhiên, quận 12 và Bình Tân là hai địa phương gia tăng SXH cao nhất. “Có một điều cần lưu ý. Khi dịch SXH chưa vào mùa thì trẻ dưới năm tuổi mắc nhiều nhất. Tuy nhiên, khi dịch bệnh vào đỉnh điểm thì độ tuổi mắc từ 10 đến 29 lại nhiều hơn. Dự kiến trong năm 2016, dịch SXH sẽ kéo dài từ tháng 8-2016 đến hết tháng 3-2017 và đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 12-2016. Do đó, hoạt động phòng, chống SXH trong các trường THCS, THPT, nhà trọ và khu vực đông người là việc rất quan trọng” - BS Nga nói. TRẦN NGỌC |