Bệnh nhi bị phù phổi cấp do đuối nước

Ngày 11/9/, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cơ sở đã chữa khỏi thành công cho bệnh nhân bị phù phổi cấp sau khi đuối nước.

Bệnh nhi Nguyễn Đăng Đan 13 tuổi (Quế Võ- Bắc Ninh) bị phù phổi cấp sau khi đuối nước. Đan nhập viện trong tình trạng cơ thể tím tái, chẩn đoán ban đầu là tổn thương phổi cấp sau đuối nước.

Theo lời kể của gia đình bệnh nhi,  cách đây 5 ngày, sau buổi học, Đan cùng các bạn học rủ nhau ra mương chơi bị các bạn đùa, kéo dìm xuống nước. May lúc đó có một người câu cá xuống vớt, sơ cứu.

Sau khoảng 3 giờ đồng hồ Đan bắt đầu lịm đi, suy thở, khó thở. Gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ chụp phổi thấy 2 phổi gần như mờ hoàn toàn nên 1 giờ sau Đan chuyển lên Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Bệnh nhi bị phù phổi cấp do đuối nước - 1

BS Dũng cho biết, bệnh nhi bị phù phổi cấp

Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán, Đan bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước. Trong quá trình dưới nước quá lâu, chất độc trong mương vào phổi và sau vài tiếng đồng hồ thì phá hủy phổi. Dù Đan tự thở được nhưng lượng ôxi trong phổi vẫn rất thấp, chỉ bằng khoảng ¼ so với mức bình thường vì phế nang phổi bị tổn thương, không thực hiện được chức năng trao đổi oxi. Ngay lập tức, cháu bé được thở máy ngay trong đêm, các bác sỹ đã xử lý để lượng oxi trong phổi bệnh nhân luôn đủ. Sau liên tục thở máy trong 3 ngày, tình trạng viêm phổi của cháu bé cơ bản được đẩy lùi.

Bệnh nhi bị phù phổi cấp do đuối nước - 2

BS Dũng xem Xquang phổi cho bệnh nhi

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, trường hợp của bệnh  nhi Đan, y học gọi là "chết đuối trên cạn". Nếu không được thở máy kịp thời, trẻ có thể tử vong rất nhanh.

Hiện nay bệnh nhi Đan đã có thể ăn uống được bình thường, nhưng vẫn phải ở lại bệnh viện 1-2 ngày nữa để điều trị khỏi hẳn viêm phổi.

BS Dũng cho biết, đặc trưng của người bị đuối nước ở ao hồ, hoặc môi trường nước tự nhiên nói chung, không phải bể bơi là rất dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm phổi, phù phổi. Bởi ở môi trường này, nước bẩn dễ bị nhiễm hóa chất, vi trùng. Vì thế, ngay cả khi người bị đuối nước đã tỉnh lại sau sơ cứu ban đầu, vẫn nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế. Mục đích là qua chụp phim có thể phát hiện sớm tình trạng phù phổi này, bởi diễn biến tình trạng thường rất nhanh. Việc điều trị sớm, lợi tiểu, dùng kháng sinh có thể ngăn chặn diễn biến bất thường và cứu sống cho bệnh nhân. Nếu để lâu, dấu hiệu bệnh xuất hiện sẽ diễn biến rất nhanh, nguy cơ tử vong sẽ cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN