Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết giảm tiểu cầu tăng vọt
Mùa dịch năm nay, lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết giảm tiểu cầu ở ngưỡng nguy hiểm tăng mạnh khiến các bệnh viện lớn phải lên tiếng cảnh báo.
Số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) giảm tiểu cầu ở ngưỡng nguy hiểm (tiểu cầu từ 10.000-20.000) ngày càng tăng. Nhiều bệnh viện (BV) có tới 50% số bệnh nhân mắc SXH giảm tiểu cầu tới 20.000 khiến cho bác sĩ điều trị đã phải lên tiếng cảnh báo.
Tình huống nguy hiểm
Theo các chuyên gia về SXH, tiểu cầu trung bình trong máu của một người khỏe mạnh vào khoảng 150.000 - 450.000 mỗi microlít máu (một phần triệu của một lít). Người bệnh được coi là giảm tiểu cầu trong máu khi lượng tiểu cầu thấp hơn 150.000.
Mức nguy hiểm trong giảm tiểu cầu là xuống tới 50.000, tuy nhiên, mùa dịch SXH năm nay đã ghi nhận nhiều bệnh nhân giảm tiểu cầu tới mức nghiêm trọng (< 10.000 - 20.000 tiểu cầu/microlít).
Điều trị bệnh SXH tại Khánh Hòa.
Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Ngọc Bích (khoa Cấp cứu Nhi, BV Nhi Đồng 2, TP.HCM) cho biết, thời điểm này, khoa Cấp cứu Nhi đã phải tăng gấp rưỡi số giường bệnh, trong đó số lượng bệnh nhân SXH cấp cứu cũng tăng tương ứng.
“Trước kia, số giảm tiểu cầu xuống dưới 10.000-20.000 chỉ khoảng 30%, giờ tăng lên khoảng 50%”. Theo bác sĩ Ngọc Bích: “Khi tiểu cầu giảm quá thấp, chúng tôi phải cấp cứu đặc biệt, truyền tiểu cầu (20kg truyền 2 đơn vị tiểu cầu), thoát dịch, chống sốc…”.
Ngoài ra, bệnh nhân phải làm ngay xét nghiệm rối loạn đông máu. “Điều trị SXH không cần kháng sinh, và bệnh này cũng chưa có thuốc điều trị. Tuy nhiên, khi điều trị cấp cứu, chống sốc, chúng tôi vẫn phải cho bệnh nhân dùng kháng sinh, để đề phòng nhiễm khuẩn BV”- bác sĩ Ngọc Bích nói.
Kiểm soát bệnh trước khi quá muộn
Cũng theo các bác sĩ khoa Cấp cứu Nhi, BV Nhi Đồng 2, các ca SXH tiểu cầu giảm ở mức nghiêm trọng thường được chuyển ngay về các BV đầu ngành bởi diễn biến bệnh nhanh.
Ngoài ra, do số bệnh nhân SXH tăng nhanh, nhu cầu truyền tiểu cầu cao, trong khi khả năng đáp ứng tiểu cầu để truyền ở các BV cũng hạn chế, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm. Bởi vậy, nếu gia đình bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, BV tuyến dưới có phương pháp điều trị tích cực thì hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh, hạn chế tối đa tiểu cầu giảm thấp. Cụ thể:
Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng) - cho biết, lượng bệnh nhân điều trị SXH tại khoa hiện gấp đôi năm 2012. Điều nguy hiểm là những năm trước số lượng tiểu cầu của bệnh nhân giảm dưới 100.000, nhưng năm nay đã ghi nhận bệnh nhân SXH giảm tiểu cầu dưới 10.000, thậm chí có trường hợp không đếm được tiểu cầu.
Khi bị SXH phải hạ sốt nhanh chóng bằng cách: Chườm lạnh, quạt mát, sử dụng thuốc: Paracetamol theo liều (1 tuổi: 60mg; 1-3 tuổi: 60 -120mg/ liều; 3-6 tuổi: 120mg/liều.
Phòng mất nước và điện giải sớm: Uống dung dịch điện giải, nước hoa quả 2-3 lít mỗi ngày (pha theo hướng dẫn trên bao bì, không pha đặc).
Khi mạch nhanh 100 lần/phút, huyết áp kẹt < 20, hoặc hạ phải truyền Ringer lactate hoặc dung dịch NaCL 0,9% tốc độ 20ml/kg/giờ cho đến khi mạch rõ, huyết áp > 100/60 thì giảm dần tốc độ 10ml/kg/giờ.
Trong trường hợp không đỡ, sốc sâu hơn phải truyền Plasma, Dextran tốc độ 10-20ml/kg/giờ.
Các chuyên gia cũng tư vấn: Không nên cạo gió, cắt lễ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho bệnh nhân. Đặc biệt, không tự ý cho uống thuốc Aspirine vì có thể gây chảy máu dạ dày.