Bệnh mới đổ vào Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước ghi nhận số loại bệnh mới nổi nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 10 năm qua, thế giới xuất hiện hơn 35 loại bệnh mới nổi như bò điên, HIV/AIDS, SARS, đại dịch cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tiêu chảy tán huyết do E.coli, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), viêm gan siêu vi… với tần suất ngày càng dày hơn và xảy ra tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, một số bệnh mới phát sinh, chưa rõ nguyên nhân cũng được thế giới ghi nhận như hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân; hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do lây nhiễm HIV/AIDS.
Thách thức các nhà khoa học
Đáng nói là những loại bệnh mới nổi này đã và đang hiện diện ở Việt Nam. PGS-TS Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết những bệnh mới nổi, bệnh không rõ nguyên nhân là thách thức đối với các nhà khoa học và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân vì khả năng gây đại dịch rất lớn.
Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận thêm 2 loại bệnh chưa rõ nguyên nhân là hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi (còn gọi là “bệnh lạ”) và hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do lây nhiễm HIV/AIDS. Mới đây, lại xuất hiện 2 trường hợp tử vong ở phía Nam do nhiễm “amip ăn não người” - loại bệnh cũng chưa từng xuất hiện tại nước ta trước đây. Các nhà khoa học cũng công bố có loại bệnh chưa từng ghi nhận trên thế giới nhưng đã hiện hiện ở Việt Nam.
Xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết ngoài sự xuất hiện các bệnh mới nổi, một số bệnh nhiễm trùng đã được khống chế hiện nay xuất hiện trở lại như tả, sởi, SXH do virus Dengue, nhiễm khuẩn liên cầu heo, dại và bệnh TCM. Đáng lo ngại hơn, một số bệnh gây dịch nguy hiểm là virus mới có độc lực mạnh, tỉ lệ tử vong cao như H5N1, SARS hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây.
Sự “bùng nổ” của các bệnh mới nổi, tái nổi không chỉ khiến người dân lo âu mà đây cũng là vấn đề y tế công cộng nóng bỏng làm đau đầu các chuyên gia dịch tễ học. Theo ông Hiển, hiện 5 loại bệnh truyền nhiễm cần được quan tâm đặc biệt là bệnh TCM, SXH do virus Dengue, tả, cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1.
Động vật: Tác nhân chính truyền bệnh
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, sự xuất hiện của nhiều loại bệnh không rõ nguyên nhân và các bệnh mới nổi là do biến đổi của khí hậu, môi trường, quá trình đô thị hóa, do chính hành vi của con người... Bên cạnh đó, những thành tựu của ngành y tế về khoa học kỹ thuật phát triển cũng giúp cho trình độ giám sát bệnh tốt hơn nên đã phát hiện được bệnh mới nhiều hơn.
Ngoài ra, ông Hiển cho rằng việc thông thương cũng góp phần tạo nên sự lây lan nhanh ở từng nước cũng như trên toàn thế giới. Cùng đó, sự gia tăng về buôn bán gia súc và động vật hoang dại làm tăng nguy cơ truyền bệnh. “Với các đặc điểm dịch tễ học, quá trình sinh học, xã hội, sinh thái… thì châu Á, trong đó đặc biệt Việt Nam, được coi là “điểm nóng” của các bệnh mới nổi, trong đó nhiều bệnh có nguy cơ gây đại dịch” - ông Hiển lo ngại.
Các nhà khoa học cho biết động vật là nguồn truyền bệnh của hơn 70% các bệnh mới nổi. Thậm chí, có những loại bệnh bình thường chỉ lưu hành ở động vật nhưng do biến đổi của khí hậu, môi trường, virus dần thích nghi nên dễ dàng truyền bệnh sang người như cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, SARS...
Hiện tại, nhiều bệnh lây nhiễm từ động vật sang người đang bắt buộc phải theo dõi ở Việt Nam và có báo cáo định kỳ hằng tuần, hằng tháng từ cấp cơ sở. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ cho rằng với quy trình quản lý vật nuôi, kiểm dịch động vật, giết mổ và tiêu thụ thịt động vật như hiện nay, cộng thêm sự nhận thức chưa đầy đủ về các bệnh truyền từ động vật sang người; phát hiện bệnh ở động vật muộn…, nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người rất lớn.
Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm mỗi năm với hàng ngàn trường hợp tử vong.