Bệnh liên cầu lợn gia tăng dịp Tết: Nguy hiểm khi ăn tiết canh

Vào dịp Tết nhu cầu thịt lợn tăng lên đột biến, trong đó thịt không rõ nguồn gốc, nhiễm bệnh có cơ hội tuồn vào thị trường.

Chết vì ăn tiết canh

Dịp Tết năm ngoái, gia đình ông Nguyễn Văn H. trú tại Kiến Xương, Thái Bình mổ lợn đánh tiết canh ăn cuối năm. Đến ngày 30 Tết ông H. có biểu hiện sốt cao, tri giác lơ mơ. Gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình sau đó bệnh viện tỉnh đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh liên cầu lợn gia tăng dịp Tết: Nguy hiểm khi ăn tiết canh - 1

Bệnh nhân bị liên cầu lợn tại BV Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu và suy đa phủ tạng. Đến ngày mùng 3 Tết bệnh nhân tử vong. 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức (bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) bệnh liên cầu lợn có xu hướng giảm. Tuy nhiên cứ vào dịp Tết là lại có bệnh nhân nhập viện. Nguyên nhân là do thói quen của người dân ở địa phương. Vào thời điểm cuối năm, người dân có thói quen mổ lợn và làm tiết canh, số người nhập viện cũng nhiều hơn các tháng trong năm. 

Thói quen ăn tiết canh cho rằng bổ mát của người dân nhưng họ không biết rằng trong tiết canh sống tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lị, liên cầu khuẩn… Ngoài ra, quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở da, lông dễ dàng xâm nhập vào máu. 

Triệu chứng khi mắc liên cầu lợn thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn. 

Hiện nay việc điều trị ở bệnh nhân được áp dụng liên tục các biện pháp hồi sức tích cực nên chi phí điều trị khá cao, riêng tiền thuốc để điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có thể tới 1 triệu đồng/ngày, tiền lọc máu khoảng chục triệu/ngày. Khả năng cứu chữa căn bệnh này phụ thuộc nhiều vào thời gian vào viện điều trị sớm hay muộn.

Phòng bệnh liên cầu lợn

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết bệnh liên cầu lợn do liên cầu lợn (Streptococcus suis) có ít nhất 3 týp, nhiều týp sống bình thường trên lợn mà không gây bệnh, nhưng phổ biến nhất là týp 2 gây bệnh cho lợn và có thể lây sang người.

Vi khuẩn có thể tồn tại trong phân, bụi bẩn, xác lợn và cả những con ruồi, nhặng trong một thời gian dài. Vi khuẩn còn phân lập được ở bò, dê, cừu, ngựa khi viêm màng não.

Cách lây truyền của bệnh liên cầu lợn như sau: Vi khuẩn cư trú ở amidal và mũi lợn khoẻ có thể tới 1 năm. Trong một đàn lợn lây truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua kim tiêm nhiễm trùng. Lợn con có thể lây nhiễm từ lợn mẹ qua đường hô hấp, tiêu hoá, máu.

Bệnh lây từ lợn sang lợn, nhưng cũng có thể lây sang các gia súc khác như bò, dê, mèo, chó, hươu,…

Người bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, ăn thịt lợn bị bệnh, ăn tiết canh, cũng có thể bị lây qua các vết xước, khuẩn có thể tìm thấy trong máu, dịch não tuỷ của người bệnh.

Lợn mua về nuôi phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi bằng các loại hoá chất như Phenol, Iốt, hypochlorid, axit phenic 3-5%, formol 5%.

Không mua bán lợn bệnh, người tiêu dùng nếu thấy thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết, phù nề thì không nên ăn vì chắc chắn đó là lợn bị bệnh. Đặc biệt phải ăn thịt đã nấu chín, không ăn thịt tái hoặc sống. Tuyệt đối không nên ăn thịt lợn ốm, đặc biệt là tiết canh.

Không ăn thịt lợn không rõ nguồn gốc. Người giết mổ, tiêu huỷ lợn phải có biện pháp đề phòng để không lây sang người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Mai (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN