Bệnh lây qua đường tình dục tăng vọt tại TPHCM

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các bệnh lây lan qua đường tình dục phổ biến như lậu, giang mai, HIV, sùi mào gà đang có xu hướng tăng cao tại TPHCM trong những năm gần đây. Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nam thanh niên 24 tuổi đến Bệnh viện Da Liễu TPHCM thăm khám trong tình trạng chói mắt, mất thị lực, nổi mẩn đỏ trên cơ thể. BS Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó khoa Lâm sàng 3 của bệnh viện cho biết, các kết quả kiểm tra, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị giang mai ở mắt. Đây là biểu hiện hiếm gặp của bệnh giang mai.

Không chỉ bệnh giang mai, nhiều bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục tại TPHCM đang có xu hướng tăng vọt trong những năm gần đây. Ngày 10/12, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, các kết quả giám sát về bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục cho thấy, trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2023 các bệnh lây qua đường tình dục trong cộng đồng tại thành phố liên tiếp gia tăng.

Quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm gia tăng (ảnh minh họa)

Quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm gia tăng (ảnh minh họa)

Cụ thể bệnh sùi mào gà có số ca mắc cao nhất, dao động qua các năm, đỉnh điểm vào năm 2023 với 38.124 ca (chiếm 50,6% các bệnh lây qua đường tình dục mới phát hiện). Số ca mắc giang mai tăng gấp đôi từ năm 2020 với 4.899 ca đến năm 2023 là 10.063 ca. Nhiều thể giang mai hiếm xuất hiện như giang mai mắt, giang mai tai, giang mai ác tính.

Hiện nay, TPHCM có hơn 52.000 người mắc HIV, trong đó tỷ lệ hiện nhiễm HIV trên nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam là 12,3%. Nhóm phụ nữ mại dâm là 3%. Tỷ lệ nhiễm của nhóm nghiện chích ma túy trên 11%.

Bên cạnh đó, bệnh lậu cũng đang có số ca mắc gia tăng qua các năm. Nhiều ca bệnh viêm hầu họng, trực tràng do lậu, chlamydia; viêm niệu đạo do não mô cầu; viêm niệu đạo do M. genitalium (một tác nhân mới nổi được ghi nhận gây các ổ dịch nhỏ tại Châu Âu, Mỹ).

Đáng lưu ý, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) mắc giang mai rất thường gặp, đối tượng này có nguy cơ mắc bệnh giang mai cao hơn, đặc biệt là những người đồng nhiễm HIV, do nhiều yếu tố bao gồm có nhiều bạn tình, các hành vi tình dục không an toàn và sử dụng các chất kích thích.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai hoạt động phòng, chống các truyền nhiễm lây qua đường tình dục giai đoạn 2025-2030, với mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục tại cơ sở y tế; nghiên cứu ước tính tỷ lệ một số bệnh lây truyền qua đường tình dục trong quần thể dân cư; giảm tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; loại trừ lây truyền giang mai từ mẹ sang con.

Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày có hơn 1 triệu ca nhiễm mới các bệnh lây truyền qua đường tình dục và phần lớn trong số này không có triệu chứng. Để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, cộng đồng cần thực hiện các biện pháp tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ, chung thủy với 1 bạn tình, không quan hệ tình dục với nhiều người, không lạm dụng rượu bia, chất kích thích để tránh nguy cơ mất tự chủ dẫn đến hành vi tình dục không an toàn…

Do thiếu kiến thức về quan hệ an toàn, trẻ dễ bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Sơn ([Tên nguồn])
Sức khỏe tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN