Bệnh lạ: Rối loạn ám ảnh, cưỡng bức

Sự kiện: Bệnh stress

Các rối loạn ám ảnh - cưỡng bức làm ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của bệnh nhân. Bệnh nhân tiêu tốn rất nhiều thời gian vì ám ảnh và hành vi cưỡng bức. Bệnh nhân thường cô lập về xã hội, kết hôn muộn, nhiều người sống độc thân, đặc biệt là nam giới. Họ có tỷ lệ sinh con rất thấp.

Vì sao tuổi vị thành niên dễ mắc?

Bệnh rối loạn ám ảnh - cưỡng bức thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên hoặc những năm đầu của tuổi thanh niên. 31% số trường hợp có giai đoạn đầu tiên xảy ra ở độ tuổi 10 - 15, 75% phát triển bệnh ở trước tuổi 30.

Bệnh lạ: Rối loạn ám ảnh, cưỡng bức - 1

Tuổi vị thành niên hay mắc rối loạn ám ảnh

Trong hầu hết các trường hợp không thấy có stress đặc biệt hoặc các sự kiện thuận lợi để khởi phát bệnh rối loạn ám ảnh - cưỡng bức. Bệnh khởi phát từ từ, phát triển mạn tính và thường tiến triển nặng thêm.

Ý nghĩ ám ảnh gây căng thẳng, hầu hết bệnh nhân đều biết rằng điều đó là vô lý, nhưng cũng có khoảng 5% số bệnh nhân tin rằng ám ảnh và cưỡng bức là hợp lý. Ám ảnh là các sự kiện tâm thần không mong muốn, quá mức, thường gây lo âu và khó chịu. Ám ảnh có thể là suy nghĩ, ý định, sự tưởng tượng, âm thanh, trầm ngâm, niềm tin, sợ hãi hoặc sự thôi thúc và chúng thường liên quan đến bạo lực, tình dục, tôn giáo, sự chán ghét và không cảm xúc. Ám ảnh là ý nghĩ lặp đi lặp lại làm đứt đoạn ý nghĩ bình thường, trong đó ý nghĩ ám ảnh thường là các kinh nghiệm thị giác rõ rệt.

Nhiều ám ảnh bao gồm các ý nghĩ khủng khiếp như là lăng mạ, cưỡng hiếp, giết người hoặc quấy nhiễu tình dục trẻ em. Niềm tin ám ảnh thường là những ý nghĩ kỳ quái.

Bệnh lạ: Rối loạn ám ảnh, cưỡng bức - 2

Ám ảnh sợ hãi thường có nội dung là sợ bệnh và sợ bị lây bệnh

Chúng khác ám ảnh sợ ở chỗ không có các kích thích gây ám ảnh sợ. Các ám ảnh sợ hãi khác thường là sợ gây hại cho người khác như sợ vô ý làm cháy nhà, sợ đâm phải trẻ con khi lái xe. Có bệnh nhân cứ ám ảnh mãi với các suy nghĩ có tính chất cân nhắc như: tay ta đã sạch chưa, đã khoá cửa chưa, có chất độc trong nước uống không? Cưỡng bức đáp ứng các ám ảnh này là rửa tay rất lâu và rất nhiều lần, kiểm tra lại khoá cửa, đổ bình nước uống đi.

Hành vi cưỡng bức là hành vi nhằm làm giảm sự khó chịu, nhưng tạo ra áp lực phải thực hiện hành vi cưỡng bức cho bệnh nhân. Ví dụ như phải rửa tay, kiểm tra lại, nhắc lại, xa lánh. Rửa tay là hành vi cưỡng bức hay gặp nhất, chiếm khoảng 25 - 50% các trường hợp rối loạn ám ảnh - cưỡng bức. Người bệnh luôn sợ bị bẩn, sợ bị lây bệnh, do vậy, họ tốn rất nhiều thời gian vào việc rửa tay hoặc tắm. Họ tránh xa các yếu tố có thể lây bệnh như phân, nước tiểu, dịch tiết âm đạo.

Kiểm tra là hành vi bệnh lý, người bệnh cứ kiểm tra đi kiểm tra lại một đối tượng. Ví dụ như xem có ai lấy xe của mình không, xem cửa đã khoá chưa, xem có nhốt ai trong phòng không? Kiểm tra làm cho bệnh nhân giảm bớt nghi ngờ nhưng trong một số trường hợp thì bệnh nhân kiểm tra nhiều quá mức. Cùng với rửa tay, kiểm tra cũng là hành vi cưỡng bức hay gặp nhất.

Chậm chạp là triệu chứng ít gặp hơn rửa tay và kiểm tra. Bệnh nhân mất rất nhiều thời gian để mặc quần áo hoặc chuẩn bị đi ra khỏi nhà. Bệnh nhân có triệu chứng này có lo âu ít hơn so với các ám ảnh và cưỡng bức khác.

Bệnh lạ: Rối loạn ám ảnh, cưỡng bức - 3

Cấp phát thuốc cho bệnh nhân tại BV Tâm thần TW1.

Có chữa khỏi được không?

Bệnh rối loạn ám ảnh - cưỡng bức là một bệnh được phân loại trong các bệnh rối loạn lo âu. Nguyên do là: lo âu hoặc căng thẳng thường giảm ngay khi thực hiện hành vi cưỡng bức; lo âu thường phối hợp với ám ảnh, chống đối lại hành vi cưỡng bức; bệnh thường phối hợp với các rối loạn lo âu khác.

Hơn 90% số bệnh nhân có ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức; trong đó khoảng 20-30% chủ yếu là có ám ảnh, 20% bệnh nhân có cưỡng bức chiếm ưu thế, còn 50% cả ám ảnh và cưỡng bức đều chiếm ưu thế.

Điều trị bằng thuốc: Clomipramin là thuốc chống trầm cảm ba vòng, có tác dụng chủ yếu trên hệ serotonin. Đây chính là thuốc tốt nhất để điều trị rối loạn ám ảnh - cưỡng bức. Với liều trung bình, 60% số bệnh nhân được cải thiện tốt và rất tốt.

Hiệu quả điều trị của clomipramin diễn ra rất chậm. Hiệu quả tối đa xuất hiện sau 5 - 12 tuần điều trị. Tác dụng phụ chủ yếu là khô miệng, run, buồn ngủ, buồn nôn, khó cương dương ở nam giới. Clomipramin có kết quả tốt cho cả bệnh nhân có ám ảnh và có nghi thức.

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) có hiệu quả điều trị rối loạn ám ảnh - cưỡng bức tương đương với clomipramin. Trong thực tế,  4 thuốc fluoxetin, fluvoxamin, sertralin, paroxetin hay được sử dụng rộng rãi trong điều trị rối loạn ám ảnh - cưỡng bức.

Khi so sánh hiệu quả điều trị của fluoxetin và clomipramin, người ta thấy hiệu quả điều trị giống nhau nhưng fluoxetin đáp ứng chậm hơn clomipramin.

Thuốc fluvoxamin có hiệu quả điều trị giống với clomipramin. Khoảng 52% số bệnh nhân có kết quả điều trị tốt và rất tốt với fluvoxamin.

Sertralin điều trị rối loạn ám ảnh - cưỡng bức. Đáp ứng điều trị xuất hiện sớm, thường ở tuần thứ 3 sau khi dùng thuốc. Hiệu quả điều trị đạt tối đa ở tuần thứ 8.

So với clomipramin, các thuốc SSRI ít tác dụng phụ hơn, dung nạp thuốc tốt hơn và tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị thấp hơn. Vì thế, các thuốc SSRI được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh.

Phối hợp thuốc

Các thuốc SSRI và clomipramin có hiệu quả điều trị trên 60% số bệnh nhân rối loạn ám ảnh - cưỡng bức. Với các bệnh nhân đáp ứng điều trị kém, cần phải phối hợp thuốc để tăng hiệu quả điều trị.

Người ta hay phối hợp giữa clomipramin hoặc SSRI với clonazepam, risperidon, olanzapin. Nhiều bệnh nhân cho kết quả điều trị tốt khi phối hợp thuốc. Clonazepam thường sử dụng cho bệnh nhân có lo âu nhiều. Thuốc an thần mới risperidon và olanzapin cho kết quả tốt nếu bệnh nhân rối loạn ám ảnh - cưỡng bức có rối loạn nhân cách dạng phân liệt hoặc có tic phối hợp.

Tư vấn tâm lý cho bệnh nhân tại BV Tâm thần TW1.

Tiến triển của điều trị

Bệnh rối loạn ám ảnh - cưỡng bức cần phải được điều trị bằng thuốc kéo dài nhiều năm. Sau 1 năm điều trị bằng clomipramin hoặc SSRI, nếu ngừng thuốc thì tỷ lệ tái phát là 90% số bệnh nhân. Sau 10 năm điều trị, khi ngừng thuốc, các triệu chứng của bệnh rối loạn ám ảnh - cưỡng bức lại quay trở lại ở đa số bệnh nhân.

Liệu pháp tâm lý:

Liệu pháp hành vi: Sự giáo dục và giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình đối với bệnh nhân đóng vai trò quyết định thành công của liệu pháp hành vi. Các bệnh nhân hợp tác với kỹ thuật điều chỉnh hành vi cho kết quả điều trị tốt nhất.

Liệu pháp nhận thức: Liệu pháp nhận thức dùng điều trị bệnh rối loạn ám ảnh - cưỡng bức nhằm giúp bệnh nhân hình thành lại cách đánh giá về sự nguy hiểm, thảm họa, lo âu quá mức, sự liên hệ không hợp lý. Nói chung, liệu pháp nhận thức cho kết quả điều trị rất hạn chế. Người ta thường kết hợp liệu pháp nhận thức và liệu pháp hóa dược để tăng hiệu quả điều trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS.Bùi Quang Huy (Sức khỏe đời sống)
Bệnh stress Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN