Bệnh lạ khiến ba cha con mang hình hài "quái nhân"

Từng là một thanh niên đẹp trai với nhiều hoài bão, nhưng không hiểu từ đâu căn bệnh quái ác đã biến ông Tê trở thành một con người mang khuôn mặt của người cõi khác, khiến ông sống tự ti, xa lánh mọi người. Đau đớn hơn, khi hai người con ông dứt ruột đẻ ra cũng cùng chung số phận như ông.

Hình dạng “lạ” cùng cảnh nghèo vây bủa, khiến gia đình ông Tê rơi vào tình trạng khốn khổ trên mảnh đất xa xôi hẻo lánh của vùng cao Tây Nguyên...

Bắt đầu bằng cục thịt nổi lên mặt

Cách thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) 70km, vượt qua những con đường đèo núi chênh vênh và chuyến sang sông đầy nguy hiểm, chúng tôi đã đến được ngôi làng của người đồng bào ê đê, nằm khuất sau những dãy núi trập trùng. Tại đây, chúng tôi bắt gặp một căn nhà gỗ tềnh toàng, nơi cư ngụ của ba cha con mang khuôn mặt “lạ” là ông Lưu Văn Tê (52 tuổi), Lưu Thị Ngoan (28 tuổi), Lưu Văn Tuấn (20 tuổi, cùng ngụ thôn buôn Tung 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).

Khi chúng tôi đến nơi, trời đã quá trưa. Thấy khách, ông Tê mời vào nhà để tiếp chuyện. Tại đây, chúng tôi đã hết sức cảm thương khi biết hoàn cảnh của ba con người mang bộ mặt giống “lạ”. Thuở nhỏ, ông Tê sống trong gia đình có bảy anh chị em, ông là con thứ ba và khi đang ở cái tuổi thanh niên trai tráng, đột nhiên ông mắc bệnh. Lúc ấy, ông vừa tròn 20 tuổi, trên gò má phải nổi lên một cục thịt to bằng viên bi ve. Thấy ngứa ngáy khó chịu, nhưng cứ tưởng do đi làm bị côn trùng đốt nên ông không mấy chú ý. Tuy nhiên, ngày qua ngày, cục thịt đó càng lớn dần lên. “Trong một lần đi chăm em gái bị bệnh, tôi đã được một bác sỹ chẩn đoán nó là khối thịt dư và khuyên tôi cắt bỏ đi. Vì không muốn vướng bận với nó nữa, nên vài ngày sau, tôi trở lại bệnh viện làm phẫu thuật cắt bỏ”, ông Tê nhớ lại.

Phẫu thuật xong, hai năm sau thì ông lấy vợ và có một cuộc sống rất hạnh phúc. Nhưng niềm hạnh phúc ấy không lâu, thì căn bệnh lạ xuất hiện khiến ông lo lắng. Lúc này không chỉ một mà là hàng ngàn mụn thịt nổi lên chi chít từ đầu cho tới chân, không chừa một vị trí nào. Cứ thế nó bám riết và lớn lên trên người ông. Thấy bệnh lạ nên ông đã đi khám, nhưng cũng đành trở về vì không có cách nào chữa được. Trước nỗi thất vọng và sự kỳ thị, xa lánh của bà con làng xóm, tháng 2/1988, ông đành rời bỏ làng quê Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) dắt theo vợ con vào miền Tây Nguyên lập nghiệp.

Tại nơi đất khách quê người, ông cố gắng lao động để quên đi căn bệnh quái ác đang hiện hữu trên người. Cuộc sống chưa được ổn định, nỗi bất hạnh lại lần nữa ập đến gia đình bé nhỏ của ông. Đó là lúc con gái đầu Lưu Thị Ngoan (SN 1986) tròn hai tuổi, bắt đầu có dấu hiệu của căn bệnh lạ. ông chảy nước mắt khi nhìn thấy con gái cũng đang mắc phải căn bệnh quái lạ như ông.

Ban đầu, Ngoan cũng chỉ có một cục mụn thịt nhỏ mọc trên ngực, nhưng không lâu sau đó, nó phát triển khắp cơ thể. Càng lớn lên các mụn thịt càng nhiều và làm biến dạng bộ mặt của Ngoan. ông Tê cảm nhận được nỗi khổ đau mà con gái đang phải chịu nên đã lặn lội đưa con đi khám chữa. Nghe người ta mách bảo ở đâu có thầy chữa giỏi ông đều tới. Nhưng căn bệnh không thuyên giảm, mà tài sản trong nhà cứ thế ra đi, khiến gia đình ông túng quẫn. Ngoài đứa con gái, ông còn một người con trai tên là Lưu Văn Tuấn (SN 1994) cũng mang khuôn mặt quái lạ như ông.

Chứng kiến hai đứa con thơ lớn lên cùng căn bệnh quái ác, ông Tê rơm rớm nước mắt chia sẻ: “Nếu biết số phận hai đứa con như thế, lúc trước tôi thà chết chứ không lấy vợ. Nhìn tụi nhỏ quằn quại với bệnh tật, bữa cơm nào gia đình tôi cũng chan đầy nước mắt. Gần 30 năm tôi sống với bộ dạng của một “con quỷ”, những ngày trái gió trở trời tôi đau mỏi, chỉ biết nằm một chỗ. Bây giờ kinh tế trong gia đình do một tay vợ tôi gánh vác. Nhiều đêm bệnh tật hành không ngủ được, tôi chỉ muốn tìm đến cái chết để bớt gánh nặng cho vợ con thôi. Nghĩ lại mà thương vợ, thương con”.

Bệnh lạ khiến ba cha con mang hình hài "quái nhân" - 1

Ông Lưu Văn Tê và con gái tên Ngoan (Ảnh: Ngọc Hồ).

Người vợ hết lòng vì chồng con

Lúc này, đau khổ nhất có lẽ là bà Nguyệt. Không những phải lo cho chồng mà bà còn rất vất vả khi chăm hai đứa con Ngoan và Tuấn vì cả hai đều có đầu óc, trí nhớ không bình thường. Cũng chính vì quá vất vả nên nhìn bà Nguyệt già hơn nhiều so với cái tuổi 49.

Bà Chu Thị Nguyệt (SN 1965, vợ ông Tê) nghẹn ngào cho hay: “Vào đây, nhà nước cấp cho 500m2  đất để sinh sống, nhưng gia đình tôi cũng đã bán hết để chữa bệnh cho hai đứa con. Gia đình có bốn người nhưng chỉ do một mình tôi lo liệu. Tôi sức khỏe không còn bao nhiêu nữa nhưng ngày nào cũng phải đi làm mướn cho người ta. Nhiều lần tôi muốn bỏ mặc ba cha con mà đi nhưng tôi không đành lòng. Số phận bắt tôi như vậy thì tôi đành chấp nhận. Giờ chỉ biết cầu xin ông trời cho tôi sức khỏe, để còn sống ngày nào còn lo được cho gia đình này ngày đó”.

Bà Nguyệt vừa lau nước mắt vừa nói thêm: “Vợ chồng tôi, cũng ở cái tuổi không còn sống được bao nhiêu lâu nữa. Tôi sợ mai này chúng tôi chết đi hai đứa nó sẽ sống ra sao. Con nhà người ta lớn lên đều dựng vợ gả chồng hết, nhìn con mình mà thấy đau lòng”.

Ngồi nghe chúng tôi trò chuyện, Ngoan và Tuấn nước mắt chảy dài. “Trời sinh anh em tôi ra vậy. Tuy đau đớn, tủi nhục nhưng không hề trách hờn bố mẹ. Tôi chỉ thấy buồn là không thể đủ sức khỏe để giúp cho gia đình bớt khổ. Những phần thịt của tôi càng ngày càng lớn và dài ra, tôi đành quên nó đi để mà sống chứ không biết làm sao”, chị Ngoan ngậm ngùi cho hay.

Ngồi bên chị Ngoan, Tuấn nghẹn ngào nói: “Vài hôm nữa em sẽ đi tu ở chùa, ở nhà chỉ làm gánh nặng cho bố mẹ. Mấy ngày nay, mẹ ốm phải nằm truyền nước ở nhà, nhìn thương mẹ lắm”. Nghe con nói, hai vợ chồng ông Tê giàn giụa nước mắt. Nhìn vợ và hai đứa con, ông Tê chỉ biết cầu mong phép màu cứu giúp gia đình ông.

Bà Tạ Thị Nụ (62 tuổi) hàng xóm cho biết: “Gia đình ông Tê hoàn cảnh rất éo le, nhiều lần tâm sự với bà Nguyệt tôi mới thấy hết được đức hy sinh cho chồng cho con của bà. Mấy chục năm trời chăm lo cho gia đình nghèo khổ mà bà Nguyệt không hề than vãn một lời. Có lúc, ông Tê nói, bán hết nhà cửa lấy tiền mua cho ba cha con ăn một bữa thật ngon rồi tìm đến cái chết. Còn bao nhiêu tiền thì bà Nguyệt cầm về quê để tìm một cuộc sống tốt hơn đây. Nhưng bà Nguyệt không chịu, đã động viên chồng con sống hết quãng đời còn lại”.

Tiếp lời bà Nụ, ông Trần Văn Chất (SN 1957) cho hay: “Ba cha con ông Tê cũng đã chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Hàng xóm ai cũng thương xót nhưng không giúp được gì nhiều. Thương nhau thì cho nhau bát gạo, những lúc đau ốm thì đưa đi bệnh viện thôi. Vì đây là dân vùng kinh tế mới, mọi người cũng khó khăn như nhau”. 

20 năm là hộ nghèo

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Côn, Trưởng thôn buôn Tung 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Đã 20 năm nay, gia đình ông Tê thuộc hộ gia đình đặc biệt khó khăn, là hộ nghèo của xã, mỗi tháng được nhà nước trợ cấp 270 nghìn đồng/người. Vừa qua chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm cũng đã đến thăm và tặng quà động viên gia đình ông. Cùng với số tiền hỗ trợ, gia đình ông đã được cất cái nhà cấp bốn để có chỗ chui ra chui vào.Vì đây là một xã vùng kinh tế mới, cuộc sống của các hộ gia đình đều khó khăn nên xã chỉ có những giúp đỡ nhất định thôi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC HỒ (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN