Bệnh 'lạ': Góc nhìn quen của người trong cuộc

Việc kết luận được chính xác nguyên nhân tử vong đối với các bệnh nhân mắc bệnh “lạ” tại Quảng Ngãi là cả một quá trình điều tra thực tế, nghiên cứu khoa học của các chuyên gia đầu ngành. Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), người tham gia từ những ngày đầu xác định nguyên nhân dịch bệnh.

Thưa ông, các nhà khoa học bắt đầu việc xác định nguyên nhân bệnh “lạ” tại Quảng Ngãi như thế nào?

Dịch bệnh tại Quảng Ngãi bùng lên từ khoảng tháng 3, tháng 4/2011. Tháng 5/2011, khi Viện Da liễu T.Ư nhận được 5 bệnh nhân đầu tiên thì họ tổ chức hội chẩn và tôi được mời tham gia.

Các chuyên gia hàng đầu của ngành y đều xác định đây là căn bệnh gồm các triệu chứng nổi bật là hội chứng viêm da dày sừng bàn chân bàn tay. Trong các nguyên nhân ngộ độc được nhắc đến có asen và hóa chất bảo vệ thực vật, dioxin.

Viện Da liễu vào Quảng Ngãi điều tra đầu tiên và trở về xây dựng phác đồ điều trị hội chứng này. Đến đầu năm 2012 có một số bệnh nhân chết. Đầu tháng 4/2012 đoàn chuyên gia gồm hơn chục người do Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh dẫn đầu vào vùng dịch bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên tôi vào Quảng Ngãi. Kết quả của cuộc điều tra này là phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng này tương đối toàn diện được các chuyên gia xây dựng và Bộ Y tế ban hành.

Bệnh 'lạ': Góc nhìn quen của người trong cuộc - 1

PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai). Ảnh: T.Hà

Chuyến đi đầu tiên này tạo ấn tượng gì cho ông?

Cảm giác của tôi cũng như nhiều chuyên gia khác sau lần vào điều tra là bệnh có thể có nguyên nhân là ngộ độc với nhiều tác nhân gây độc được nghi vấn nhưng còn có thêm nhiều yếu tố phối hợp (như nhiễm khuẩn…). Sau đó có rất nhiều đoàn vào, trong đó đoàn lớn với khoảng 60 chuyên gia trên cả nước do Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu.

Kết quả của đoàn là phác đồ can thiệp được bổ sung hoàn thiện với định hướng can thiệp dự phòng toàn diện trong đó có phát gạo và bổ sung vi chất để nâng cao thể trạng cho dân vùng bệnh. Và đến nay thực tế cho thấy phác đồ này đạt hiệu quả đẩy lùi căn bệnh “lạ”.

Sau đó nhiều đoàn nhỏ của các cơ quan chuyên môn y tế đến điều tra, nhiều đến mức làm cho dân tình họ phát chán vì các chuyên gia cứ vào nhưng về không xác định được nguyên nhân. Tất nhiên điều tra chưa ra thì chẳng ai dám tuyên bố gì. Có lúc dân còn không hợp tác. Tôi 4 lần vào, có lần phải nhịn nhục mà làm nhiệm vụ vì có khi dân họ không thích, chính đồng nghiệp mình cũng hiểu sai và mình cứ đến rồi đi mà chưa có kết quả cụ thể.

Các bác sỹ đang điều trị bệnh “lạ” cho bệnh nhân ở Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Thành

Liên tục đoàn vào, đoàn ra điều tra tức là nguyên nhân ban đầu không phải là nguyên nhân chính?

Ban đầu tất cả các chuyên gia đều chung nhận định: có thể nguyên nhân là ngộ độc. Nhưng ngộ độc chất gì, tác nhân gì thì quá khó để xác định, cần có quá trình điều tra tỉ mỉ, khoa học. Dù cảm giác nhà dân ở đây sạch sẽ nhưng vẫn có những yếu tố mất vệ sinh cần phải xét đến trong quá trình tìm nguyên nhân như có phân trâu, phân bò ở những đoạn ngõ lầy lội, bọ chét, thóc ủ, gạo biến màu.

Cũng đã có lúc tôi nghĩ chưa chắc phải ngộ độc, bởi lúc đó có quá nhiều nguyên nhân được đưa vào tầm ngắm... Sau đó, các chuyên gia lại một lần nữa thống nhất nguyên nhân chính vẫn phải nghĩ đến ngộ độc, nhưng có thể có rất nhiều nguyên nhân khác cần được điều tra, và bệnh không chỉ có hội chứng viêm da dày sừng bàn chân, bàn tay.

Từ lúc nào các chuyên gia định hướng được bệnh do nấm độc?


Bộ Y tế đề nghị Chính phủ cấp gạo và tiền cho người dân trong đó. Bữa ăn được cải thiện nên từ tháng 5 đến hết tháng 12/2012 không có bệnh nhân nào tái phát bệnh. Nhưng từ tháng 1/2013 khi hết gạo, dân lại ăn gạo thóc ủ và đầu năm 2013 lẻ tẻ có bệnh nhân tái phát bệnh.

Thêm một phát hiện, các bệnh nhân đều suy dinh dưỡng. Chế độ ăn quanh năm không hề có thịt và rất ít rau tươi, chủ yếu ăn cơm thóc ủ mà thóc đó có những chỗ còn màu hồng, chỗ màu xám, đen, rất nghi có nấm mốc.

Lần thứ hai vẫn chưa xác định được nguyên nhân gì nhưng đã nhận diện được bệnh cảnh. Kết quả sinh thiết gan của bệnh nhân tử vong thấy hoại tử gan nặng, suy gan cấp. Cộng với kết quả xét nghiệm phát hiện thấy nấm, đọc tài liệu thì thấy tương đối phù hợp với bệnh cảnh của những đợt nhiều bệnh nhân tái phát đi tái phát lại.

Những đợt trước bệnh nhân không tử vong ngay thì trở thành xơ gan, sau đến mức độ nặng thì trở thành suy gan cấp và hôn mê gan và nhiễm toan là chết. Lúc đó tất cả ý kiến mới chuyển sang chẩn đoán viêm gan nhiễm độc mà nguyên nhân là có thể do nấm độc sản sinh ra độc tố afalatoxin.

Các ông phát hiện được điều gì mới trong những chuyến khảo sát tiếp theo?

Trong lần thứ 4 vào Quảng Ngãi, cùng với các chyên gia của BV Bạch Mai, tôi chọn 5 nhà ở xã Ba Điền có người tái phát để hỏi bệnh sử thì thấy những bệnh nhân bị tái phát cứ đi BV thì đỡ vì họ được nuôi bằng sữa, cháo, thuốc men, truyền dịch. Nhưng khỏe một tí thì họ đòi về và lại ăn gạo từ thóc ủ, một tháng sau bệnh lại nặng lên, vào viện. Có những người 2-3 lần như thế, đến lần thứ 3 bị chết. Sinh thiết chẩn đoán là suy gan cấp viêm gan nhiễm độc.

Nhưng cũng những người từng tái phát bệnh đang nằm viện, khi nhà có người chết, họ về làm đám ma rồi sau đó không quay lại BV, đúng lúc đó họ nhận được hỗ trợ của nhà nước và các nhà tài trợ bao gồm gạo, các vitamin, khoáng chất và cả tiền để mua thịt.

Sau một tháng, tất cả những người này đều tự xác định là khỏe lên nhiều, ăn uống ngon miệng, xét nghiệm men gan giảm, nghĩa là bệnh thuyên giảm toàn diện. Lúc đó chúng tôi đã rất mừng và xác định cùng các nhà báo đi theo đoàn là các biện pháp can thiệp của Bộ Y tế đã đi đúng.

Nhưng nhiều người vẫn thắc mắc là gạo đó họ ăn hàng năm nay không sao, bây giờ kết luận nó gây nhiễm nấm độc gây bệnh thì không thuyết phục?

Ngày xưa họ ăn không bị sao vì theo thời gian bị ngấm ẩm mới mốc. Kho lúa, nhà sàn của họ là nhà gỗ, mới làm không có nấm mốc, lâu rồi thì nấm mốc mới xuất hiện. Có thể trước đó vùng này không có nấm mốc nhưng rồi gió đưa các bào tử nấm đến và nhân lên.

Tôi khẳng định phác đồ là do nhiều nhà khoa học đã xây dựng và sự can thiệp cho thấy từ 8-9 tháng cuối năm 2012 không có người mắc bệnh. Đến khi hết gạo thì một tháng sau lại có người bị lại. Sau đợt đấy Chính phủ lại phát gạo ăn thì vừa rồi tôi vừa gặp và hỏi bác sĩ của BV Quảng Ngãi thì được biết không thấy xuất hiện thêm ca bệnh mới nữa.

Cảm giác của ông khi tham gia tìm nguyên nhân các căn bệnh lạ như thế nào?

Mỗi bệnh là đều có diện mạo khác nhau, việc điều tra phải mang tính khoa học và nhiều khi rất khó khăn. Về mặt khoa học thì năng lực nhận biết của khoa học thế giới nói chung vẫn còn giới hạn chứ chưa phải cái gì cũng giải thích được nên nếu phương pháp chẩn đoán không khoa học thì nó là bệnh lạ.

Tuy nhiên, chúng tôi đã không hoang mang, chỉ biết là tìm nguyên nhân bệnh rất khó khăn. Rất vui là sau một năm đã xác định được nguyên nhân quan trọng và đẩy lùi được bệnh dù tôi tin nguyên nhân của bệnh này không chỉ có nấm.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà (Tiền Phong)
Bệnh lạ ở Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN