'Bệnh lạ' chưa lui đã nhận 'thành tựu'

"Bệnh lạ" tái bùng phát ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chẳng bao lâu sau khi ngành Y tế khẳng định đã phát hiện được căn nguyên và khống chế được căn bệnh này, và coi đây là “1 trong 10 thành tựu tiêu biểu ngành y tế năm 2012”.

Những ngày này, nỗi lo lắng trở lại với người dân và chính quyền địa phương huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Thôn Rêu, xã Ba Điền (huyện Ba Tơ) nơi có số ca tử vong nhiều nhất vì hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (thường gọi là “bệnh lạ”) trong vòng 2 năm qua. Yên ắng chưa được bao lâu, từ ngày 28-2-2013 đến nay, thôn Rêu lại có thêm 5 người mắc bệnh. Trong đó có 3 ca bệnh mới, 2 ca tái phát.

Trong số các bệnh nhân có 4 người cùng một gia đình. Các trường hợp mắc bệnh gồm: Phạm Thị Soi, Phạm Thị Ngắp, Phạm Văn Đin, Phạm Văn Hy, Phạm Thi Nai hiện đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ.

Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, cho biết tất cả các đoàn thể của xã, huyện vừa tập trung tổ chức cho người dân làng Rêu đón một cái tết đầy đủ, ấm áp với hi vọng bù đắp một phần mất mát cho người dân. Ngành Y tế nói đã đẩy lùi được bệnh lạ, nay bệnh tái phát khiến nhiều người hoang mang.

Ghé nhà anh Phạm Văn Đét, người được điều trị khỏi bệnh vào năm 2012, nhưng vợ anh là chị Phạm Thị Ân và con gái không qua khỏi dù đã được đưa ra bệnh viện Trung ương Huế chữa trị. Vợ chết chưa tròn năm, Đét cưới vợ mới.

Nhắc lại chuyện bệnh lạ, Đét không khỏi buồn rầu: “Vợ con mất đau lòng lắm. Mình may mắn hơn nên qua khỏi. Giờ thấy dân làng mắc bệnh lại càng sợ hơn, không biết sống chết thế nào”.

Mẹ chị Ân là bà Phạm Thị Soi cũng mắc “bệnh lạ” đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Nằm trên giường bệnh, nhắc đến cái chết của con gái và cháu ngoại, bà Soi lại khóc.

Anh Phạm Văn Xuân, trưởng thôn Rêu, người cũng từng mắc bệnh tháng 6-2012 đã được chữa khỏi, cho biết: Người dân vẫn rất lo lang dù đã được tuyên truyền hướng dẫn đủ thứ từ vệ sinh, ăn uống đến dinh dưỡng. Dạo một vòng quanh làng Rêu, thấy đã được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ theo khuyến cáo của ngành Y tế. Trong khi đó không ít nhà dựng cây nêu để cúng thần linh khi “bệnh lạ” tái phát.

Sáng 5/3, Huyện ủy, UBND huyện Ba Tơ họp khẩn với lãnh đạo xã Ba Điền để ổn định tâm lý người dân. Qua theo dõi diễn biến bệnh ở làng Rêu và tham khảo ý kiến của những người lớn tuổi, ông Lê Hàn Phong, chủ tịch huyện Ba Tơ nhận định: “Những năm trước bệnh bùng phát vào dịp mưa nhiều. Năm nay, tháng giêng trời bắt đầu mưa cũng là lúc bệnh dịch tái phát. Bệnh có bùng phát theo chu kỳ này, lặp đi lặp lại hay không, cần phải được làm rõ”.

Theo lời kể của những bậc cao niên, trước đây bệnh đã xảy ra ở người thậm chí ở súc vật thuộc khu vực làng Rêu và lân cận. “24 trường hợp tử vong ở Ba Tơ trong 2 năm qua là quá đau thương. Không biết bao giờ mới tìm được nguyên nhân và khống chế căn bệnh này?”, ông Phong trăn trở.

Lãnh đạo huyện Ba Tơ cho rằng, Bộ Y tế khẳng định đã “đẩy lùi, khống chế” được căn bệnh này và xem đây là “1 trong 10 thành tựu y tế nổi bật của năm 2012” là quá vội vàng. “Chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh đã tuyên bố bệnh chấm dứt, đưa vào 1 trong 10 “thành tựu” làm các cấp và người dân chủ quan.

'Bệnh lạ' chưa lui đã nhận 'thành tựu' - 1
Bà Phạm Thị Ngắp được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ. Ảnh: N.T.

Bệnh tái phát giờ nói sao với dân? Người được chữa lành giờ lo tái phát, người chưa mắc bệnh lại lo lắng hơn, dân làm sao ổn định cuộc sống được”, ông Đinh Văn Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ nói.

Loay hoay

Chủ tịch xã Phạm Văn Bút, phản ánh: “Người dân khám, xét nghiệm nhiều lần rồi nhưng bệnh vẫn tái phát. Giờ nói lấy máu xét nghiệm người dân đều lắc đầu. Lấy máu của dân nhiều rồi mà không ra bệnh nên họ không đi khám, đi xét nghiệm nữa”.

Tất cả các nguyên nhân như do vệ sinh, nguồn nước, do người dân ăn gạo ẩm mốc, do thiếu vitamin mà trước đây được ngành Y tế đưa ra đều bị chính quyền địa phương nghi ngờ.

“Nói do vệ sinh thì nay thôn Rêu sạch rồi không còn chỗ dọn. Nói do dân ăn gạo ẩm mốc nhưng gạo mới do nhà nước cấp người dân đã dùng, người dân làng khác ăn gạo vụn nát hơn sao không bị? Trong khi lúa gạo người dân trồng được cũng giống như đồng bằng”, ông Bút băn khoăn.

Chủ tịch huyện Lê Hàn Phong đồng quan điểm: Hiện nay cách điều trị chủ yếu vẫn là “bao vây” vùng bệnh bằng cách dọn vệ sinh, thay nguồn nước, ăn uống hợp vệ sinh, không ăn gạo ẩm mốc, tăng cường sức đề kháng cho dân, uống vi chất. Tất cả đã được chính quyền làm rồi nhưng bệnh vẫn không hết.

Ngành Y tế đang lúng túng trong việc tìm ra nguyên nhân. Huyện khẩn thiết yêu cầu bằng mọi giá phải tìm ra được nguyên nhân trước khi nói đến việc đẩy lùi khống chế căn bệnh này.

Cũng trong sáng 5-3, đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu Trung ương và Sở Y tế Quảng Ngãi đã thăm khám và kiểm tra 5 bệnh nhân mắc “bệnh lạ” tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ.

Sau 4 ngày điều trị, hiện bệnh nhân Phạm Thị Ngắp, 75 tuổi, có vết thương nặng nhất với các biểu hiện lâm sàng lở loét chân, sưng thâm tím, rìa tím đậm quanh bàn chân.

Các trường hợp còn lại đang chuyển biến theo chiều hướng tốt. Riêng 2 bệnh nhân mắc “bệnh lạ” tại thôn Kà Khu, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đã trốn viện về nhà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thành (Tiền Phong)
Bệnh lạ ở Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN