Bệnh khó nói: "Chả làm gì" vẫn viêm đi viêm lại
Tùy vào cơ địa, có những người cả đời không cần đi chữa phụ khoa. Trong khi, một số người khác lại thường xuyên, liên tục ngứa ngáy, đau rát dù “ chả làm gì” … Tại sao???
Không phải là không chữa được
Bệnh viêm âm đạo do nấm và vi khuẩn gây ra nên hoàn toàn có thể chữa khỏi. Nhưng tại sao có những người chữa mãi không dứt điểm? Một thói quen rất tai hại của các chị em là trao đổi, xin tư vấn của các “chị Thanh Tâm cùng văn phòng”, hay của bác sĩ Google để có thể bỏ qua khâu đi khám tại bệnh viện. Một phần là do thói quen ngại bộc lộ chỗ kín với người lạ, kể cả bác sĩ. Phần nữa là… tiện. Khi thấy có triệu chứng giống giống “chị ấy” là mua thuốc như “chị ấy” và dùng như “chị ấy”. Chỉ có một khác biệt nho nhỏ: Dùng vài lần cũng thấy đỡ, nhưng không khỏi như “chị ấy”. Cá biệt, có người chỉ đỡ được vài hôm rồi lại thấy nặng hơn.Vì các triệu chứng chỉ hơi giống nhưng nguồn bệnh lại rất khác nhau.
Từ chối "yêu" có khi nguyên nhân chỉ là vì "cô bé" đang không được... khỏe.
Nữa là thói quen không đi khám lại sau khi điều trị hoặc điều trị được hơn nửa quá trình thì ngại, thì bận việc này việc khác mà bỏ qua. Sau đấy, những bào tử nấm, những vi khuẩn còn sống sót sẽ tiếp tục phát triển. Và quá trình điều trị lại sẽ rất khó khăn vì tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.
“Sống chung với lũ”
Quần áo, đặc biệt là đồ lót cần được định kì thay mới. Điều này đặc biệt là cần thiết sau quá trình điều trị. Vì khi điều trị có thể hết được bệnh bên trong nhưng nguồn bệnh vẫn còn bên ngoài, mà bất cứ một loại nước giặt siêu tẩy nào cũng không thể đánh bật được, nhất là với những sợi nấm mỏng manh.
Nguồn nước không sạch cũng là một yếu tố gây bệnh. Nhiều chị em ở nông thôn vẫn có thói quen dùng nước giếng làng, nước ao để vệ sinh, giặt giũ... đây là nguồn cung cấp vi khuẩn thường xuyên cho âm đạo.
Với những người dùng nước máy, khi thấy triệu chứng viêm đi viêm lại liên tục tái phát thì ngoài chuyện đi khám, điều trị thì cũng cần xem lại nguồn nước. Nước máy là nguồn nước khá vệ sinh nhưng nếu bể chứa bị rò rỉ, lâu không được thay rửa cũng sẽ nảy sinh nguồn bệnh.
Ngược lại, một số người có ý thức vệ sinh, rất tích cực mua đủ các loại dung dịch vệ sinh được quảng cáo cực kỳ thân thiện với “cô bé” về nhà pha với nước và thụt rửa cho thật sạch. Nhưng vẫn… viêm. Vì những dung dịch vệ sinh không phải sẽ tiêu diệt sạch vi khuẩn, bào tử nấm trong nước mà có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong âm đạo. Cộng thêm với sự thay đổi độ pH âm đạo thì chuyện viêm chỉ là sớm hay muộn.
Chặt ngọn để gốc
Bạn đã gặp những người mà hàng năm đi điều trị viêm âm đạo đến bốn, năm lần chưa?
Đấy là người phụ nữ mà chồng một năm đi công tác bốn, năm lần. Anh chị đều là người có điều kiện nên vấn đề vệ sinh không đặt ra. Nhưng chỉ khi khai thác kĩ thì mới rõ là chị chỉ bị viêm sau khi anh đi công tác về. Còn có những chị bị viêm đi viêm lại, điều trị khỏi cho vợ nhưng chồng lại lây sang thì… bằng hòa.
Nghi ngờ lẫn nhau khi "bỗng dưng" mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Nhiều chị em lại có một đức tin đáng nể đối với đức lang quân. Cả khi thấy chỗ kín ngứa ngứa, rồi nổi cục như hạt cơm, rồi như cái mào gà vẫn cam tâm chịu đựng và cũng chỉ tự an ủi chắc là tại mình vệ sinh kém chứ không biết bệnh sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Và chỉ có đức lang quân đem về chứ bệnh không tự nhiên xuất hiện.
Đừng quá lo khi bị viêm âm đạo, trong trường hợp lỡ viêm thì nên đi khám tại các trung tâm có các bác sĩ chuyên khoa. Việc khám, xét nghiệm sẽ đảm bảo việc chữa trị hiệu quả. Việc tuân thủ đúng quy trình điều trị đảm bảo để khỏi. Và nhớ khi đi khám nên dẫn theo cả chồng để quá trình điều trị hiệu quả và triệt để.
Cũng không nên coi thường những cơn ngứa, việc để viêm âm đạo lâu, kéo dài có thể có những biến chứng, và đáng ngại nhất với các bạn trẻ là khả năng bị vô sinh.
Mụn nhọt xuất hiện có thể do lông mọc ngược, chấn thương hoặc kích cỡ quần lót không phù hợp.
Nguồn: [Link nguồn]