Bệnh đậu mùa khỉ: Có giống thủy đậu không, vắc xin hiệu quả đến đâu?

Mặc dù có những điểm giống nhau về biểu hiện bệnh giữa thủy đậu và đậu mùa khỉ, bao gồm các nước phát ban biến thành mụn nước, khô lại rồi bong vảy, nhưng trên thực tế, 2 căn bệnh này không phải do cùng một loại virus gây ra.

Hình ảnh virus đậu mùa khỉ. Ảnh: CNA

Hình ảnh virus đậu mùa khỉ. Ảnh: CNA

Phân biệt đậu mùa, đậu mùa khỉ, thủy đậu

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhóm Orthopoxvirus, cùng nhóm với virus gây bệnh đậu mùa. Trong khi đó, bệnh thủy đậu lại do virus varicella zoster (VZV) gây ra.

Bác sĩ Shawn Vasoo (Trung tâm Truyền nhiễm Quốc gia Singapore) cho biết thời gian ủ bệnh của 2 loại virus là tương đương, có thể kéo dài đến 21 ngày. Tuy nhiên, 2 virus khác nhau về phương thức hoạt động. Bệnh thủy đậu chủ yếu lây lan qua giọt bắn (virus trong không khí), trong khi bệnh đậu mùa khỉ lại thường lây lan qua tiếp xúc gần gũi hoặc trực tiếp như quan hệ tình dục.

“Đối với bệnh đậu mùa khỉ, trong đợt bùng phát quy mô lớn chưa từng thấy vào năm 2022, các nhà khoa học đang điều tra xem liệu ngoài việc tiếp xúc gần, thì dịch tiết cơ thể (ví dụ tinh dịch) có thể lan truyền virus hay không”, bác sĩ Vasoo nói.

Theo các chuyên gia, nốt phát ban của bệnh nhân chủ yếu tập trung trên mặt, bàn tay, bàn chân. Trong đợt bùng phát gần đây, nhiều người cũng cho biết họ nổi ban ở bộ phận sinh dục.

Các nốt ban thường xuất hiện dưới dạng chấm đỏ, sau đó tiến triển thành những vết phồng rộp căng bóng, chứa đầy mủ. Khi mủ khô lại, vết ban sẽ bong vảy trong khoảng 1 đến 2 tuần.

Trong khi đó, những người bị thủy đậu ban đầu thường có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau họng. Vết ban thường xuất hiện trên thân và mặt trước khi lan ra toàn bộ cơ thể. Sau đó, vết ban tiến triển thành mụn nước ngứa, chứa đầy dịch. Có thể mất khoảng 1 tuần để các mụn nước đóng vảy.

“Mặc dù cả 2 bệnh đều có thể gây sốt và phát ban, nhưng người mắc đậu mùa khỉ thường bị sưng hạch bạch huyết. Dấu hiệu này thường không thấy ở bệnh thủy đậu”, bác sĩ Vasoo nói.

Ai có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ?

Giống như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, những người cao tuổi hoặc trẻ em hoặc bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Ngoài ra, tỷ lệ mắc bệnh trong đợt bùng phát hiện nay dường như cao hơn ở nam giới, đặc biệt là những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Những người này thường xuyên xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe, nên dễ phát hiện bệnh hơn.

Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền trong quá trình quan hệ tình dục, nhưng nó không được coi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Theo các chuyên gia, đậu mùa khỉ không phải là một căn bệnh mới. Vì vậy đã có quy trình chẩn đoán và điều trị cụ thể, cũng như một số kinh nghiệm trong việc chữa trị.

Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyên mọi người nên cảnh giác với các triệu chứng. Những người khỏe mạnh mắc đậu mùa khỉ sẽ mất từ 2 đến 3 tuần để hồi phục và phần lớn không cần điều trị chuyên khoa. Trẻ em, phụ nữ mang thai, những người bị suy giảm miễn dịch, giống như bệnh nhân ung thư hoặc người cấy ghép tạng, có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Tác dụng của vắc-xin

Gần đây nhất, vào những năm 1970, thế giới vẫn phải đối phó với bệnh đậu mùa (có tỷ lệ tử vong cao). Ở nhiều quốc gia, việc tiêm phòng đậu mùa là bắt buộc vào thời điểm đó. Phải đến năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới mới tuyên bố loại trừ bệnh đậu mùa. Một số quốc gia sau đó chấm dứt việc bắt buộc chủng ngừa đậu mùa.

Điều này có nghĩa là những người trên 38 tuổi nhiều khả năng đã được chủng ngừa bệnh đậu mùa từ nhiều thập kỷ trước. “Có thể những người từng tiêm phòng bệnh đậu mùa sẽ được bảo vệ phần nào”, bác sĩ Vasoo nói, vì virus gây bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ thuộc cùng dòng Orthopoxvirus.

“Chúng tôi có dữ liệu cho thấy phản ứng miễn dịch từ việc tiêm phòng đậu mùa có thể kéo dài hàng thập kỷ. Tuy nhiên, điều này có thể hơi khác nhau giữa mọi người”, theo bác sĩ Vasoo.

Các chuyên gia khác đồng ý rằng “khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian, vì vậy vẫn có khả năng mắc bệnh đậu mùa khỉ ngay cả khi đã tiêm phòng bệnh đậu mùa trước đó”.

Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đều được điều trị theo triệu chứng, nhưng bệnh nhân vẫn có thể sử dụng một chất kháng virus có tên tecovirimat được phát triển để đối phó với bệnh đậu mùa.

Mỹ - nơi đã ghi nhận hơn 2.800 ca bệnh hiện đang sử dụng 2 loại vắc xin ngừa đậu mùa là Jynneos (do Bavarian Nordic ở Đan Mạch sản xuất) và ACAM 2000. Ngày 25/7, Bavarian Nordic cho biết Ủy ban châu Âu đã cấp phép cho vắc xin của công ty này được sử dụng ở châu Âu để chủng ngừa đậu mùa khỉ. Giá cổ phiếu của Bavarian đã tăng 122% trong 3 tháng qua, do nhu cầu về vắc xin đậu mùa khỉ tăng mạnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/7 tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ - hiện đã ảnh hưởng đến hơn 16.000 người tại hơn 72 quốc gia - là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng.

WHO trước đây từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như đại dịch COVID-19, đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi năm 2014, đợt bùng phát virus Zika ở Mỹ Latinh năm 2016…

Nguồn: [Link nguồn]

Gần 16.000 ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới, Bộ Y tế đưa 6 khuyến cáo khẩn

Đến ngày 24/7, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh (Theo CNA, Reuters) ([Tên nguồn])
Bệnh đậu mùa khỉ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN