Bệnh cúm đang bùng phát mạnh ở miền Bắc có đáng lo ngại?

Sự kiện: Cảm cúm

Theo Bộ Y tế, đến nay, chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8.

Tại Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh ngày 21/7, đại diện Sở Y tế Hà Nội thông tin, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.065 trường hợp cúm. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, mỗi tháng ghi nhận dưới 400 ca/tháng, tháng 5 ghi nhận 556 ca, tháng 6 tăng gần 900 ca.

Theo TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), không chỉ Hà Nội, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm thông thường, không phải chủng cúm có độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Lý giải về nguyên nhân bệnh nhân cúm A gia tăng trong mùa hè, TS. Nguyễn Lương Tâm phân tích, trong 2 năm dịch COVID-19, người dân ý thức phòng bệnh rất tốt như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm ghi nhận ít.

Tuy nhiên, sau khi khống chế được dịch COVID-19, người dân có tâm lý chủ quan hơn trong phòng chống dịch, nên các biện pháp phòng chống dịch không được thực hiện triệt để, như không đeo khẩu trang ở nơi công cộng… Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thay đổi thất thường cũng khiến bệnh cúm phát triển.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả.

"Đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây", Thứ trưởng Hương nói.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Liên Hương đề nghị để phòng chống các bệnh cúm cần tăng cường giám sát, đặc biệt là giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa, đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, bệnh viện để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên.

Hầu hết mọi người phục hồi hết sốt và các triệu chứng khác trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt ở nhóm đối tượng nguy cơ cao bao gồm trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai...

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội đã có hơn 2.600 người mắc cúm, có ca phải thở máy

Tính từ đầu năm đến ngày 18-7, Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Cảm cúm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN