Bệnh bí ẩn khiến nhiều người tử vong ở Congo là gì, nguy hiểm đến đâu?
(PLO)- Các trường hợp mắc căn bệnh bí ẩn ở Congo chủ yếu là trẻ em (dưới 5 tuổi), đều có biểu hiện bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Mới đây ở Congo xuất hiện căn bệnh bí ẩn khiến nhiều người tử vong.
Ca mắc đa số là trẻ em
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Cộng hòa Dân chủ Congo, từ ngày 24-10 đến 5-12-2024 đã ghi nhận 406 trường hợp mắc một căn bệnh chưa rõ nguyên nhân, trong đó 31 trường hợp tử vong (tỉ lệ 7,6%).
Các trường hợp mắc bệnh bí ẩn này chủ yếu là trẻ em (53% số mắc và 54,8% số tử vong là dưới 5 tuổi). Tất cả trường hợp mắc bệnh nặng đều có biểu hiện bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau cơ.
Xuất hiện căn bệnh bí ẩn ở Congo khiến nhiều người tử vong. Ảnh: REUTERS
Bệnh bí ẩn ở Congo là bệnh gì?
Chia sẻ về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y dược TP.HCM, cho biết WHO đã điều tra trên 12 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 10 ca là sốt rét nhưng vẫn phải theo dõi thêm.
Có thể khẳng định 90% khả năng căn bệnh bí ẩn này là sốt rét, như vậy sẽ chỉ ảnh hưởng nhiều đến khu vực tại chỗ.
Hiện nay Việt Nam kiểm soát sốt rét rất tốt. Ở bối cảnh hiện tại, bệnh này hoàn toàn không có khả năng gây ảnh hưởng đến người Việt.
Theo bác sĩ Dũng, hiện bệnh này lây lan ở các tỉnh biên giới của Congo. Đây là các vùng hẻo lánh, có môi trường sống nghèo nàn, trình độ y tế kém phát triển. Do đó, công tác xét nghiệm để phát hiện bệnh được tiến hành chậm trễ, gây hoang mang.
“Trên thực tế, sốt rét đã có thuốc chữa, rất dễ phòng ngừa và kiểm soát. Nếu Việt Nam có ca bệnh, người dân cũng không cần lo lắng vì nước ta đã khống chế rất tốt bệnh này, khả năng lây lan thành dịch vì thế rất thấp. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng về nguy cơ căn bệnh có thể bùng phát tại Việt Nam” - bác sĩ Dũng nói.
Sốt rét nguy hiểm ra sao?
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), năm 2023 TP.HCM ghi nhận 21 ca sốt rét, chủ yếu là từ nước khác và tỉnh khác, không có ca tử vong do sốt rét, không có dịch sốt rét xảy ra.
TP.HCM đã được công nhận loại trừ sốt rét vào năm 2020 và là một trong 46 tỉnh thành trên cả nước được công nhận loại trừ sốt rét tính đến năm 2023. Để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP vẫn duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên ca bệnh và côn trùng truyền bệnh cùng các hoạt động chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả bảo vệ thành công thành quả phòng ngừa sốt rét quay lại sau loại trừ, cần sự chung tay phối hợp của các ban ngành và cộng đồng.
Hiện nay bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp tại Việt Nam, bệnh tập trung chủ yếu tại các khu vực có sốt rét lưu hành, đặc biệt ở các tỉnh Lai Châu, Bình Phước, một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên, gần đây xuất hiện ở Khánh Hòa với số ca mắc tăng cao trong 3 năm gần đây.
Theo HCDC, sốt rét là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi ký sinh trùng được truyền sang người thông qua các vết đốt của muỗi Anopheles bị nhiễm bệnh. Sốt rét hiện chưa có vaccine dự phòng, việc phòng chống muỗi truyền bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Sốt rét nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các biến chứng nặng do thể sốt rét ác tính và khi đó nguy cơ tử vong là rất cao.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Y tế cho biết trong trường hợp cần thiết sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ để đề xuất các...