Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó chủ tịch hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, ngày trước chưa có vắc xin phòng bệnh thì bệnh nhân tử vong từ 15 - 20%.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bệnh nhân theo dõi bệnh bạch hầu. Ảnh DT
Hàng năm bệnh xuất hiện rải rác ghi nhận vài ca mắc nhưng hiện nay theo báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang, đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam với 13 trường hợp (trong đó có 8 nam, 5 nữ, đa số bệnh nhân từ 2 đến 45 tuổi) nghi mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó, viêm họng… Nghiêm trọng hơn, đã có 3 người tử vong sau khi mắc các triệu chứng này và Viện Pasteur Nha Trang đã xét nghiệm tìm thấy có bệnh nhân dương tính với bạch hầu.
Thạc sĩ Hà cho biết bạch hầu là bệnh nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp qua các tiếp xúc thông thường, hắt hơi, nói chuyện. Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở hầu, họng, thanh quản, mũi. Triệu chứng của bệnh là viêm họng, đau họng và xuất hiện giả mạc màu trắng như chốc. Có thể kéo dài đến thanh quản hoặc ở khu vực họng. Vi rút gây bệnh chủ yếu tập trung ở khu vực họng nên rất dễ phát tán vi rút ra ngoài không khí. Người hít phỉ vi rút này sẽ gây ra bệnh viêm hầu họng bạch hầu.
Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem: Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi. |
Triệu chứng của bệnh là đau họng, đau tăng khi nuốt, thấy họng viêm đỏ, phù nề niêm mạc, amidan sưng, trên mặt có giả mạc màu trắng, hoặc màu xám bám chặt trên bề mặt amidan. Biểu hiện bên ngoài là sốt, da xanh, mạch nhanh, trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc, xét nghiệm lượng bạch cầu ở máu ngoại vi tăng nhẹ. Tai mũi họng có thể chảy dịch trong hoặc máu, mủ, trong lỗ mũi cũng có giả mạc, hạch chổ sưng nhẹ. Bệnh nặng sưng đau hạch cổ và số cao từ 39 - 40 độ C.
Cũng theo thạc sĩ Hà những năm trước kia khi chưa có vắc xin phòng bệnh tỷ lệ người mắc bệnh này rất nhiều và gây tử vong cao nếu không phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời. Bệnh bạch hầu tử vong chủ yếu do độ tốc bạch hầu gây suy tim, viêm thận và bệnh nhân chết là do các biến chứng này.
Có hai thể bạch hầu ác tính gây viêm cơ tim, gây suy tim, suy thận, hoại tử lách trong đó biến chứng hay gặp nhất ở bệnh nhân bạch hầu là viêm cơ tim có thể xuất hiện sớm ở những ngày đầu của bệnh nhưng có thể muộn hơn 3 - 5 tuần dù bệnh đã phục hồi.
Biến chứng viêm dây thần kinh ngoại biên có thể gây liệt các dây thần kinh sọ, gây liệt màn khẩu cái liệt cơ mắt, liệt mềm các chi, liên cơ hoành, cơ liên sườn gây suy hô hấp. Nhiều năm gần đây ở miền Bắc không ghi nhận trường hợp nào nhiễm bạch hầu.
Để điều trị bệnh bạch hầu, nguyên tắc điều trị trung hòa độc tố bạch hầu càng sớm càng tốt, các bác sĩ sẽ truyền huyết thanh kháng vi rút bạch hầu ác tính. Ngày trước chủ yếu sử dụng điều trị bằng kháng huyết thanh ngựa nhưng thời gian gần đây loại huyết thanh này không được sản xuất vì bệnh bạch hầu ít người mắc.
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, bác sĩ Hà cho biết để phòng bệnh cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người lây bệnh. Bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin bạch hầu. Đối với vùng dịch có thể tiêm khẩn cấp 5000 UI huyết thanh kháng bạch hầu cho người tiếp xúc với mầm bệnh mà chưa từng tiêm vắc xin
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Khánh Ngọc