Bệnh bạch hầu có dễ lây nhiễm như COVID-19?
Trước thông tin xuất hiện ca bệnh bạch hầu ở một số địa phương, nhiều người lo lắng bệnh bạch hầu có dễ lây nhiễm và có thể sẽ bùng phát nhanh như COVID-19 hay không?
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những năm gần đây, bệnh viện vẫn tiếp nhận các ca mắc bệnh bạch hầu từ tuyến dưới, trong đó có những trường hợp từ Hà Giang và Điện Biên.
BS. Nguyễn Trung Cấp cho hay, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Những người chưa được tiêm chủng, nếu nhiễm bệnh bạch hầu có thể tử vong tới 10-20%.
Phổ bệnh lâm sàng của bệnh bạch hầu đa dạng từ bệnh nhân không triệu chứng, bạch hầu da đến tình trạng viêm họng giả mạc, bạch hầu hô hấp hoặc nhiễm độc toàn thân.
Một trường hợp bệnh bạch hầu điển hình thường qua giai đoạn ủ bệnh từ 2-5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân có thể thấy vết loét có giả mạc màu trắng xám dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.
Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: Đau họng (85-90%), sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to. Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân; khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau (26-40%).
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm, đặc biệt với những người chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ của vaccine đã hết. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của bệnh thấp hơn nhiều so với COVID-19.
Ngoài ra bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau. Khó thở, thở rít, thở khò khè ở những bệnh nhân có giả mạc thanh quản. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.
"Những diễn biến trầm trọng như viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần, là lúc các triệu chứng ở hầu họng có thể đã lui. Viêm cơ tim cấp tính biểu hiện bằng suy tim sung huyết, sốc, thay đổi song ST và T trên điện tim và loạn nhịp tim", BS. Nguyễn Trung Cấp chỉ rõ.
Bệnh bạch hầu có dễ lây nhiễm như COVID-19?
BS. Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh, bệnh bạch hầu là bệnh nguy hiểm, đặc biệt với những người chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ của vaccine đã hết. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của bệnh thấp hơn nhiều so với COVID-19. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn từ người nhiễm bệnh hoặc qua đồ vật bị nhiễm dịch mũi họng.
"Bệnh có thể xuất hiện rải rác ở các vùng, nhưng không thể gây ra một đại dịch như COVID-19, vì vậy người dân cũng không nên quá lo lắng", ông Cấp nói.
BS. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, để phòng bệnh bạch hầu, quan trọng nhất vẫn là tiêm chủng vaccine. Hiệu lực bảo vệ của vaccine phòng bệnh bạch hầu khoảng 10 năm, sau đó cần tiêm nhắc lại để duy trì hiệu quả.
Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý phòng tránh bệnh sau khi đã nhiễm bệnh, vì vẫn có nguy cơ mắc lại.
"Người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì cần cách ly bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh.
Người phải tiếp xúc gần với bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp phòng lây truyền qua đường hô hấp: Giữ khoảng cách với bệnh nhân, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh bề mặt; người bệnh đeo khẩu trang và che miệng khi ho, hắt hơi... Người đã tiếp xúc không có phương tiện phòng hộ với người bệnh cần theo dõi và xét nghiệm vi khuẩn trong vòng 7 ngày, có thể dùng kháng sinh dự phòng như penicillin, erythromycin, azithromycin", Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hướng dẫn.
Bệnh bạch hầu từng là nỗi ám ảnh thế giới ở thế kỷ 17-20, do tỷ lệ tử vong cao từ 10-20%, không có thuốc chữa.
Nguồn: [Link nguồn]