Bé trai "thập tử nhất sinh" sau khi ăn cua
Khoảng 2 ngày sau khi ăn cua, cậu bé 8 tuổi bị phát ban khắp người, dù được điều trị bằng thuốc dị ứng nhưng bệnh không thuyên giảm mà còn diễn tiến nặng hơn khiến trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch.
Ngày 15/5, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, tại đây đang điều trị cho một trường hợp bị hội chứng Steven Johnson hiếm gặp.
Bệnh nhi là bé trai T.N.S (8 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng phát ban khắp người, mắt viêm kết mạc, môi sưng đỏ.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước khi nhập viện, bệnh nhi được cho ăn cua. Khoảng 2 ngày sau khi ăn, bé có biểu hiện nổi mẩn đỏ toàn thân, được gia đình chuyển đến bệnh viện tỉnh Kiên Giang theo dõi, điều trị dị ứng nhưng tình trạng không thuyên giảm. Vì vậy, bệnh nhi tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.
Sau 20 ngày được điều trị tích cực trong môi trường vô trùng, bệnh nhi đã qua được nguy kịch (ảnh: BVCC)
Thời điểm nhập viện, bệnh nhi rơi vào tình trạng lở loét môi, miệng, hốc mũi và cơ quan sinh dục. Qua các kết quả thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị hội chứng Steven Johnson, nguyên nhân được nhận định là do dị ứng.
Sau khi nhập viện, bệnh nhi rơi vào tình trạng nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết toàn thân, nguy kịch đến tính mạng. Bé đã được hỗ trợ thở máy, điều trị kháng sinh, tiêm truyền Immunoglobulin. Để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lan rộng, bệnh nhi được chăm sóc, điều trị trong môi trường vô trùng tuyệt đối.
Bệnh viện đã phối hợp liên chuyên khoa, điều trị hồi sức tích cực cho bệnh nhi. Sau 3 tuần được chăm sóc, điều trị tích cực, bệnh nhi đã cai được máy thở, tình trạng nhiễm trùng đang từng bước được đẩy lùi. Hiện các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhi đang bình phục tốt, vùng da bị tổn thương trên cơ thể đã dần lành vết thương.
Các bác sĩ cho biết, hội chứng Steven Johnson là một dạng phản ứng dị ứng. Bệnh tuy ít gặp nhưng rất nặng, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tần suất bệnh trong dân số chỉ 2/1.000.000 người, nhưng tỷ lệ tử vong từ 5% đến 30%. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện dị ứng nhưng điều trị không thuyên giảm, gia đình và nhân viên y tế cần chủ động chuyển trẻ đến bệnh viện chuyên sâu để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau 30 phút ăn tôm biển bị dị ứng, người nhà bệnh nhân nghe người quen mách mẹo chữa dị ứng bằng cách đốt vỏ tôm thành tro và uống. Sau đó, bệnh nhân rơi vào tình trạng...