Bé trai 1 tuổi nhiễm chì trong máu nặng do rơ lưỡi bằng “thuốc cam”

Bệnh nhi 1 tuổi được người nhà đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vvừa tiếp nhận một bé trai (1 tuổi ở Phú Thọ), được người nhà đưa đến trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi.

Gia đình bệnh nhi cho biết, khoảng 2 ngày trước, trẻ sốt cao 38,5 độ, kèm theo ho ít. Trong miệng bé có đốm trắng quanh niêm mạc, chảy nước mũi đục, ăn uống kém, nôn sau ăn. Gia đình cho rằng, bé bị cam nên đã mua thuốc cam (loại bột màu đỏ) để đánh tưa lưỡi 3 lần/ngày và thực hiện trong 4 ngày. Tuy nhiên, sau 2 ngày, bé vẫn sốt và mệt nhiều, quấy, không ăn, gia đình đưa bé đến bệnh viện thăm khám.

Gói thuốc cam bé trai 1 tuổi đã sử dụng.

Gói thuốc cam bé trai 1 tuổi đã sử dụng.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số men gan của bệnh nhi tăng cao, lượng chì trong máu: 226.5 µg/dl cao gấp nhiều lần mức cho phép (chỉ số cho phép dưới 40µg/dl).

Bác sĩ chẩn đoán, bé bị nhiễm chì trong máu nặng. Gia đình đã được bác sĩ tư vấn cụ thể về tình trạng và mức độ nguy hiểm của bệnh, sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương.

Hiện tại, bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu chống độc.

Theo các bác sĩ nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ, lượng chì máu càng tăng sẽ càng làm giảm chỉ số thông minh ở trẻ. “Khi sống trong môi trường bị nhiễm chì, mức độ tiếp nhận chì vào trong cơ thể của trẻ em cao hơn rất nhiều so với người lớn”, bác sĩ Nguyên nói.

Các bác sĩ cảnh báo, chì vào cơ thể qua các đường hô hấp (hít phải bụi, không khí, khói, hơi có chì); qua đường tiêu hóa; qua da; qua nhau thai (chì qua nhau thai nên mẹ bị ngộ độc chì thì con cũng bị ngộ độc. Nồng độ chì trong máu của con bằng 80% nồng độ chì trong máu mẹ).

Các bác sĩ khuyến cáo, điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì mãn có thể kéo dài hàng năm trời và những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục.

Qua trường hợp này, bác sĩ cảnh báo, các bậc phụ huynh không nên nghe và làm theo các phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng. Nếu trẻ có bất cứ biểu hiện nào bất thường, phải đưa con tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

Trẻ 3 tháng tuổi tổn thương não, nguy kịch do đánh tưa lưỡi bằng thuốc cam

Bệnh nhi có biểu hiện nôn, đi ngoài, bỏ bú, sau đó xuất hiện co giật rồi hôn mê.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HỒNG ANH ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN