Bé sơ sinh Phú Thọ mắc căn bệnh nguy hiểm 10.000 trẻ mới có 1 trẻ bị, dấu hiệu chỉ chướng bụng, bú kém

Sự kiện: Sống khỏe

Với tỉ lệ mắc từ 1/5.000 đến 1/10.000 trẻ sinh ra, tắc tá tràng bẩm sinh được coi là một căn bệnh nguy hiểm khá hiếm gặp ở trẻ. Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận và thực hiện phẫu thuật nội soi thành công, cứu sống một bé trai mắc bệnh lý này.

Em bé là con sản phụ H.T.B (trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ). Được biết, trẻ là con lần 4 của sản phụ B., chào đời đủ tháng bằng phương pháp sinh mổ, cân nặng khi sinh đạt 2,6kg. Thời điểm được 8 ngày tuổi, trẻ đột nhiên xuất hiện tình trạng nôn nhiều, bú kém, vàng da, bụng chướng và chỉ đại tiện được rất ít. Sau khi theo dõi tại nhà 2 ngày nhưng tình trạng trên không thuyên giảm, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện để thăm khám.

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, sau khi được làm các xét nghiệm cận lâm sàng , các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc tá tràng bẩm sinh đồng thời theo dõi nhiễm khuẩn sơ sinh sớm. Ngoài chẩn đoán bệnh lý tắc tá tràng bẩm sinh, bệnh nhi cũng được thực hiện tầm soát các bệnh lý kèm theo như các bệnh lý về sọ não, tim mạch, tiết niệu và các dị tật về chi.

Sau khi có các kết quả, trẻ được chỉ định phẫu thuật nội soi lúc 11 ngày tuổi. Bác sỹ Lê Quang Nam – Khoa Ngoại nhi tổng hợp cho biết: Đây là một trường hợp phẫu thuật nội soi có những khó khăn nhất định do bệnh nhi còn rất nhỏ, cân nặng thấp và vào viện trong tình trạng suy dinh dưỡng, do đó thao tác của phẫu thuật viên trong quá trình phẫu thuật cần rất thận trọng. Tuy nhiên, với sự phối hợp của các bác sĩ khoa gây mê hồi sức và khoa ngoại nhi tổng hợp, ca phẫu thuật được thực hiện thành công.

So với việc phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở như trước đây thì việc ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị tắc tá tràng bẩm sinh có rất nhiều ưu điểm như thời gian đau sau mổ ngắn và mức độ đau nhẹ, hạn chế tối đa các biến chứng, viêm nhiễm, đồng thời bệnh nhi cũng hồi phục rất nhanh sau phẫu thuật – BS. Nam cho biết thêm.

Sau phẫu thuật, trẻ được đưa về chăm sóc tại phòng hồi sức sơ sinh, Khoa Nhi sơ sinh với phác đồ điều trị bằng thuốc kháng sinh, nuôi dưỡng tĩnh mạch kèm theo hỗ trợ thở máy.

Sau 8 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt, trẻ đã được bú mẹ, các chỉ số sinh tồn hoàn toàn bình thường, không còn tình trạng nôn, chớ, đại tiện bình thường, vết mổ nội soi khô ráo và đảm bảo vấn đề thẩm mỹ nên được cho xuất viện.

“Sau khi trẻ ra viện, gia đình, người chăm sóc trẻ cần chú ý một số vấn đề như ăn uống, đại tiện ,đồng thời tái khám đúng lịch. Nếu thấy có biểu hiện bất thường như nôn, chớ, quấy khóc, chướng bụng,… cần đưa trẻ tái khám ngay” – BS. Nam khuyến cáo.

Tắc tá tràng là bệnh lý hiếm gặp, có thể do những nguyên nhân từ bên trong lòng tá tràng cũng như bên ngoài tá tràng. Tắc tá tràng thường xuất hiện những biểu hiện sớm sau sinh bao gồm: nôn dịch sữa và dịch xanh, vàng. Tuy nhiên, với sự phát triển của siêu âm chẩn đoán trước sinh như hiện nay, bệnh lý tắc tá tràng bẩm sinh hoàn toàn có thể phát hiện sớm ở thời kỳ bào thai. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, các sản phụ trong quá trình mang thai cần thực hiện đầy đủ các mốc siêu âm quan trọng và các xét nghiệm sàng lọc để phát hện sớm các bất thường ở thai nhi (nếu có). Từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

Gia đình sốc vì bé sơ sinh 3 ngày tuổi đã mắc bệnh lậu

Trong quá trình mang thai, người mẹ đi khám nhưng không phát hiện bệnh lý đặc biệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trương Tĩnh - Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN