Bé sơ sinh bị hoại tử dạ dày hồi sinh kỳ diệu
Cháu L.T.T (gần 2 tháng tuổi) bị viêm ruột hoại tử rất nặng và hoại tử mặt sau của dạ dày, ruột non vừa được cứu sống kỳ diệu.
Chị Cao Thị Thúy Hồng như vừa thoát khỏi cơn ác mộng. Chị kể, giây phút đau xót nhìn con thơ mới 4 ngày tuổi đã phải lên bàn mổ cấp cứu rồi khoảng thời gian thắc thỏm ngóng tin con bên hàng lang khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh chắc chắn chị sẽ không bao giờ quên.
Bị viêm ruột hoại tử nặng, hoại tử dạ dày, diễn biến hậu phẫu phức tạp do nhiễm trùng vết mổ, có huyết khối tĩnh mạch và tràn dịch màng phổi dưỡng chấp, sự hồi sinh của bé là một điều kỳ diệu đối với cả gia đình và các bác sĩ.
Chào đời khi mới được 35 tuần tuổi, chỉ 3 ngày sau sinh, bé L.T.T đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cấp tốc chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh- Bệnh viện Nhi Trung ương do thể trạng yếu, bụng trướng căng và sốc nặng.
Tại đây, qua phim chụp X-quang cho thấy bệnh nhân có thành ruột dày và xuất hiện khí thành ruột, sau khi hội chẩn, xác định cháu bị viêm ruột hoại tử, các bác sĩ khoa Hồi sức sơ sinh nhanh chóng chuyển cháu đến khoa Ngoại để phẫu thuật cấp cứu.
Trong quá trình mở ổ bụng kiểm tra, các bác sĩ ngoại khoa phát hiện bé T ngoài mắc viêm ruột hoại tử rất nặng còn bị hoại tử mặt sau của dạ dày và ruột non.
Chị Hồng vui mừng vì con thoát khỏi "tử thần".
Bác sĩ Nguyễn Mai Thủy, người trực tiếp phẫu thuật cháu bé cho biết, với trường hợp bé T, cùng lúc mắc viêm ruột hoại tử nghiêm trọng lại hoại tử dạ dày, tiên lượng tử vong đã rất lớn, chưa kể đến những diễn biến phức tạp trong quá trình hậu phẫu.
Cháu T có sống được hay không, phụ thuộc phần lớn ở công tác chăm sóc hồi sức sau mổ”. Cuộc đại phẫu đưa bé thoát khỏi tình trạng cấp cứu nhưng đồng thời cũng khiến các bác sĩ hết sức lo ngại về khả năng nhiễm trùng vết mổ vì trẻ đẻ non sức đề kháng vốn rất kém
Có những giai đoạn, bé cai được máy thở, lưu thông tiêu hóa tốt hơn, các bác sĩ còn chưa kịp thở phào lại phát hiện ra các triệu chứng mới xuất hiện”.
Các bác sĩ chăm sóc cho trẻ bị bệnh nặng
Thạc sĩ-bác sĩ Lê Thị Thu Hà- Phó trưởng khoa Hồi sức sơ sinh cho biết, bé L.T.T là một trong số hiếm hoi các bệnh nhi mà khoa tiếp nhận gặp cùng lúc nhiều tình trạng bệnh phức tạp.
Các bác sĩ vừa điều trị dứt điểm nhiễm trùng vết mổ lại thấy bệnh nhi xuất hiện huyết khối tĩnh mạch và sau đó là tràn dịch màng phổi dưỡng chấp.
2 tháng trời chạy đua cùng “tử thần” để giành giật sự sống cho bé bằng nhiều biện pháp can thiệp: điều trị huyết khối, nuôi dưỡng tĩnh mạch, chọc hút dịch màng phổi kết hợp với sử dụng kháng sinh mạnh và các loại thuốc chuyên biệt để tăng sức đề kháng sẽ là khoảng thời gian khó quên đối với nhóm bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc và điều trị cho cháu.