Bé gái một tuổi mắc sởi tử vong
TP HCM - Bé gái 12 tháng tuổi, bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng sau khi nhiễm virus sởi, tử vong sau gần 10 ngày điều trị.
Ngày 3/12, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cho biết bệnh nhi ngụ TP Thủ Đức, chưa được tiêm vaccine sởi do cơ địa suy dinh dưỡng và bị tật thiểu sản phổi phải bẩm sinh. Bé nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng tình trạng quá nặng nên không qua khỏi.
"Trường hợp tử vong này một lần nữa là lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh sởi có thể gây ra và sự cần thiết của việc tiêm phòng đầy đủ", bác sĩ Châu nói. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận 4 trẻ tử vong liên quan bệnh sởi.
Số ca mắc sởi của thành phố tiếp tục tăng trong tuần qua, với mức kỷ lục 319 trường hợp, tăng hơn 58% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, 180 trẻ phải điều trị nội trú. Trẻ mắc bệnh tăng nhiều ở nhóm 6-9 tháng tuổi và 11-14 tuổi. Năm nay, thành phố ghi nhận 2.438 ca bệnh sởi, trong khi những năm trước không có ca mắc.
Trẻ nhỏ mắc sởi nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Lê Phương
TP HCM tiếp tục chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi đơn cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi, sau khi đã tiêm hơn 6.200 mũi. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ. Do đó, Sở Y tế TP HCM kiến nghị và được Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine sởi cho nhóm tuổi này tuổi, triển khai từ 19/11.
Ngành y tế tiếp tục rà soát tiêm cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi trên địa bàn. Chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ 1-10 tuổi, từ hôm 31/8 - sau khi UBND công bố dịch, đến nay góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này. Các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh tăng cường rà soát, tiêm vaccine cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ như bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính..., nếu không có chống chỉ định.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sởi và các vaccine phòng bệnh khác theo đúng lịch. Người lớn cũng cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi để bảo vệ cho trẻ. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng..., có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.
Trẻ mắc sởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi; viêm não; suy giảm miễn dịch...
Nguồn: [Link nguồn]