Bé gái 9 tuổi đau bụng rồi nôn ói, đi khám mới biết mắc bệnh hiểm, bác sĩ chỉ rõ chị em có dấu hiệu này cần khám ngay!
Sau thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhi có khối u buồng trứng bị xoắn hai vòng nên đã mổ khẩn, giữ lại buồng trứng cho bé gái 9 tuổi.
Bé Anna (9 tuổi, quốc tịch Australia) cùng bố mẹ đến Việt Nam du lịch từ giữa tháng 1/2024. Khi đang ở Sapa, bé có biểu hiện nôn, đau bụng, gia đình nghĩ con ngộ độc thực phẩm. Song cơn đau tăng dần, họ quyết định kết thúc chuyến du lịch về Úc sớm hơn dự định.
Vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất hôm 26/1, bé đau dữ dội kèm nôn ói được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhi được siêu âm kiểm tra sau mổ. Ảnh: BVCC
BS.CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ, khoa Ngoại Nhi, cho biết khối u buồng trứng bên phải của bệnh nhi kích thước 7x8 cm, nghi u quái buồng trứng đã xoắn, cần mổ gấp. Bệnh nhi có lỗ thông liên thất bẩm sinh chưa can thiệp nên phải kiểm tra trước mổ.
Ê kíp khoa Ngoại Nhi trao đổi với bác sĩ của Anna tại Australia và hội chẩn cùng chuyên gia Trung tâm Tim mạch của bệnh viện Tâm Anh, quyết định phẫu thuật nội soi khẩn. Khi đưa ống nội soi vào ổ bụng, kíp mổ ghi nhận buồng trứng bên phải xoắn hai vòng nên cẩn thận gỡ xoắn. Sau 5 phút, buồng trứng hồng trở lại, bác sĩ bóc u, bảo tồn được buồng trứng. Khối u quái to bằng quả trứng gà.
Bác sĩ Vũ đánh giá Anna may mắn giữ lại được buồng trứng nhờ cấp cứu kịp thời. Nếu chậm trễ, buồng trứng xoắn khiến mạch máu nuôi bị tắc nghẽn, gây hoại tử khối u và cả buồng trứng bên phải. Khi đó, bệnh nhi phải cắt bỏ một bên buồng trứng.
Anh Lachlan, 41 tuổi, bố bệnh nhi, cho biết đã đến Việt Nam du lịch nhiều lần, đây là lần đầu gặp sự cố sức khỏe. May mắn con gái được phẫu thuật bởi bác sĩ giỏi chuyên môn, máy móc hiện đại, chăm sóc chu đáo... Gia đình anh quyết định hoãn chuyến bay trở về Australia, dự định tiếp tục du lịch nghỉ dưỡng và đón Tết tại TP HCM.
Xoắn buồng trứng là gì?
Xoắn buồng trứng (xoắn phần phụ) là bệnh lý phổ biến thứ 5 trong các cấp cứu phụ khoa, xảy ra khi một buồng trứng xoắn xung quanh các dây chằng giữ nó tại chỗ. Tình trạng này có thể gây cắt đứt đột ngột lưu lượng máu đến buồng trứng, vòi trứng hoặc cả 2 thành phần này. Xoắn buồng trứng có triệu chứng lâm sàng không rõ ràng và đa dạng phụ thuộc vào thời gian, vị trí, mức độ và tần suất xoắn.
Ảnh minh họa
Xoắn buồng trứng có nguy hiểm không?
Xoắn buồng trứng không chỉ gây đau đớn mà còn gây nhiễm trùng nặng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thậm chí là tính mạng của phái nữ.
Biến chứng lớn nhất của xoắn buồng trứng là hoại tử buồng trứng phải phẫu thuật cắt bỏ, làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con sau này của chị em phụ nữ. Nhưng nếu không cắt ổ xoắn sẽ gây nhiễm trùng nặng hoặc gây áp xe và viêm phúc mạc.
Sau khi làm phẫu thuật cắt buồng trứng cần tuân theo những biện pháp của bác sĩ để giảm nguy cơ tái phát và tránh các yếu tố nhiễm trùng của các dây chằng xung quanh buồng trứng.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh xoắn buồng trứng
Cơn đau dữ dội và bất ngờ ở vùng chậu, thường là ở bên phải, đau thường liên tục hoặc đôi khi là từng cơn. Triệu chứng đau thường không đỡ khi dùng các loại thuốc giảm đau thông thường. Trong các trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn, cơn đau có thể dịu đi.
Nôn và buồn nôn gặp trong 47-70% trường hợp, thường gây nhầm lẫn với các bệnh lý của một số cơ quan của ống tiêu hóa như dạ dày, đại tràng, thực quản hoặc tiết niệu như sỏi niệu quản, nhiễm trùng tiết niệu. Sốt, thường vào giai đoạn muộn.
Xoắn buồng trứng có triệu chứng lâm sàng không rõ ràng và đa dạng phụ thuộc vào thời gian, vị trí, mức độ và tần suất xoắn.
Ảnh minh họa
Ai có nguy cơ bị xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng xảy ra chủ yếu với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tuy nhiên bệnh có thể xuất hiện ở cả phụ nữ mãn kinh, trẻ em thậm chí là trẻ sơ sinh. Yếu tố nguy cơ cao nhất của xoắn là những bệnh nhân có khối u nang buồng trứng : U nang bì (u quái), u nang đơn thuần, u nang xuất huyết, kích thước u càng lớn, nguy cơ càng cao.
Bệnh nhân nữ được kích thích buồng trứng để tạo trứng rụng trong hỗ trợ sinh sản có nguy cơ xoắn buồng trứng cao hơn so với các phụ nữ có buồng trứng bình thường. Bên cạnh đó, bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật ở vùng tiểu khung, chậu hông cũng có nguy cơ xoắn buồng trứng.
Các thay đổi áp lực ổ bụng đột ngột như ho, nôn, vận động mạnh có thể là một yếu tố khởi phát một tình trạng xoắn buồng trứng.
Phụ nữ làm gì để ngăn ngừa xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng không có bất cứ biện pháp phòng ngừa nào. Cách duy nhất để ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm từ buồng trứng bị xoắn là thường xuyên thăm khám, để tâm đến những biểu hiện đau bất thường của cơ thể.
Tập thể dục đều đặn và nhẹ nhàng, không thực hiện những bài tập nặng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng.
Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai cần cẩn trọng vận động trong suốt thai kỳ để phòng ngừa biến chứng của xoắn buồng trứng.
Cô gái 18 tuổi có khối u buồng trứng kích thước lớn, phát triển nhanh, lầm tưởng mang thai 7 tháng. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, khối u được loại bỏ hoàn...
Nguồn: [Link nguồn]