Bé gái 6 tuổi mắc vi khuẩn ăn mòn cơ thể – Whitmore
Ngày 4/3, Bệnh viện Nhi Trung ương đã kết nối để hỗ trợ, tư vấn từ xa về chuyên môn cho nhiều bệnh viện tuyến dưới, trong đó có những ca bệnh phức tạp.
Đặc biêt là ca bệnh của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình). Bé gái 6 tuổi này vào viện trong tình trạng sốt cao, viêm tấy bàn chân và đùi trái. Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng viêm tấy lan ra nhiều nơi trong cơ thể và tạo ra các ổ áp-xe.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới đã sử dụng kháng sinh, trích dẫn lưu mổ áp-xe, làm các xét nghiệm, nuôi cấy dịch mủ xác định được vi khuẩn gây bệnh chính là Burkholderia Pseudomalei (bệnh Whitmore). Tuy nhiên, do lo ngại về vấn đề sử dụng kháng sinh kéo dài, bệnh tái đi tái lại, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới đã xin hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Trung ương để khẳng định chẩn đoán, hướng điều trị tiếp theo nhằm tránh tái phát và các biến chứng cho bệnh nhi.
Vi khuẩn ăn mòn cơ thể. (Ảnh minh họa)
Sau khi đánh giá và hội chẩn các chuyên khoa, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương đã khẳng định chẩn đoán đồng thời hướng dẫn các bác sĩ tuyến dưới theo dõi và lưu ý liệu trình điều trị kháng sinh cho người mắc bệnh Whitmore.
Đến nay, cùng với tư vấn, phác đồ điều trị của Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi đã được điều trị ổn định, kết thúc giai đoạn tấn công và được ra viện, tiếp tục điều trị ngoại trú liên tục trong 3 tháng. Sau đó trẻ sẽ được khám định kì để đánh giá, phòng ngừa tái phát, biến chứng...
Theo các chuyên gia, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”.
Đáng lưu ý, bệnh Whitmore không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ nhầm với nhiều bệnh khác. Bệnh có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, viêm phổi, apxe ở lách và thận… Vi khuẩn có thể vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não. Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân không được chủ quan với bệnh whitmore ở tất cả các bệnh nhân có tổn thương đa ổ áp xe, có vết thương nhiễm bẩn đặc biệt ở các khu đầm lầy, đồng ruộng, trên các đối tượng nguy cơ như người làm nông nghiệp, trồng rừng, người bệnh đái tháo đường…
Đặc biệt các bác sĩ cũng lưu ý đến tác nhân vi khuẩn B. Pseudomallei ở những bệnh nhân có đặc điểm trên để có định hướng phối hợp chẩn đoán với chuyên khoa truyền nhiễm. Nếu điều trị không đúng phác đồ, bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân dễ suy kiệt do bệnh tái phát đi tái phát lại.
Số ca bệnh whitmore ăn mòn cơ thể đang gia tăng tại một số tỉnh, thành. Nhiều người lo ngại, bệnh này sẽ trở thành dịch?
Nguồn: [Link nguồn]