Bé 2 tuổi suýt mù mắt vì biến chứng của viêm xoang, những dấu hiệu không nên bỏ qua
Nếu viêm xoang ở trẻ không được điều trị triệt để, có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, giảm thị lực hay mù mắt, giảm thính lực, viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa…
Gần một tháng trước, cậu con trai 2 tuổi của chị Thúy An (quê Hậu Giang) liên tục bị chảy nước mũi, mắt sưng nên gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh để khám. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bé không thuyên giảm, mắt phải vẫn sưng, người nhà tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ rồi lên Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM.
Tại đây, qua kết quả chụp CT scan, các bác sĩ xác định bé bị viêm xoang cấp tính gây biến chứng và áp xe hốc mắt bên phải. Nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ mù rất lớn. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi mũi xoang dưới, lấy toàn bộ ổ áp xe hốc mắt ra ngoài.
Viêm xoang gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi - Tổng hợp (Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM) cho biết, bệnh nhân bị viêm xoang biến chứng áp xe hốc mắt do thuyên tắc tĩnh mạch hoặc lây từ xoang mũi qua hốc mắt của người bệnh. Ở thể nặng, bệnh gây giảm thị lực, liệt vận nhãn, thậm chí mù lòa.
Trước đó, tại bệnh viện này cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự, bệnh nhi gặp các biến chứng do viêm xoang điều trị muộn hoặc điều trị không đúng cách.
Theo ThS.BS Phạm Đình Nguyên, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, viêm xoang là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng hô hấp trên cấp tính với sự trở nặng và kéo dài của các triệu chứng.
Bệnh có khả năng tái phát nhiều lần hay chuyển thành mạn tính. Ước tính có khoảng 6,6% bệnh nhi đến khám tại bệnh viện mắc bệnh viêm mũi xoang, tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 6 tuổi.
BS Nguyên cho biết, dựa theo thời gian mắc bệnh, viêm mũi xoang được chia thành viêm xoang cấp hay mạn tính. Với viêm xoang cấp, bệnh thường xuất hiện sau một đợt viêm đường hô hấp trên cấp tính.
Sau 5-7 ngày các triệu chứng của viêm nhiễm đường hô hấp có khuynh hướng nặng hơn với biểu hiện như sốt cao, hơi thở hôi, ho nhiều (nhất là vào ban đêm), chảy mũi nhiều, nước mũi xanh hoặc vàng đặc như mủ, nhức đầu, đau sau ổ mắt, cảm giác nặng vùng mặt, đau răng, đau họng…
Với những bé bị viêm xoang mạn tính, triệu chứng kéo dài trên 3 tháng nhưng mức độ ít rầm rộ hơn. Trẻ có thể sốt hâm hấp từng đợt, đau họng tái phát, khàn tiếng, ho kéo dài, ngạt mũi, sổ mũi, giảm hoặc mất khả năng ngửi mùi, ù tai, đau tai.
Theo các bác sĩ, nếu viêm xoang ở trẻ không được điều trị triệt để, có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, giảm thị lực hay mù mắt do tổn thương dây thần kinh thị, giảm thính lực do viêm tai giữa tái đi tái lại, viêm họng, viêm amiđan, viêm thanh quản, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa…
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ không được chủ quan khi thấy trẻ viêm xoang tái phát nhiều lần. Nếu trẻ chảy mũi liên tục, nước mũi đục kèm sốt cao, uống thuốc không khỏi, sưng mắt, phụ huynh cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám và chẩn đoán sớm.
Để phòng tránh viêm xoang cho trẻ, bố mẹ cần giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ, tránh nuôi súc vật trong nhà; không hút thuốc lá trong nhà, không cho bé đến gần những khu vực sản xuất có nhiều khói bụi.
Bên cạnh đó, hạn chế cho trẻ nằm điều hòa quá lâu; dùng nước muối sinh lý hay nước biển sâu để vệ sinh mũi cho bé mỗi ngày đồng thời cho bé mang khẩu trang y tế mỗi khi ra đường để giảm nguy cơ hít phải khói bụi và các chất gây ô nhiễm khác.
Bệnh nhi bị sổ mũi kèm dịch xanh, nghẹt mũi, đau má phải và đã vài lần chữa viêm xoang mà không hết. Cuối cùng, bác sĩ...