Bé 2 tuổi nằm bất động, nổi ở dưới ao sống sót kỳ diệu
Gia đình không thấy bé 2 tuổi quanh nhà nên đi tìm, kết quả phát hiện bé nằm bất động nổi trên mặt nước ở ao gần nhà.
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bé trai 2 tuổi, ở Hàm Yên nhập viện trong tình trạng hôn mê, Glasgow 6-7 điểm, xuất tiết đờm nhiều, 2 phổi thông khí kém, tim nhịp nhanh, đồng tử giãn 3mm, da lạnh…
Bác sĩ Chuyên khoa I Đào Việt Thắng, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, tiên lượng trẻ rất nặng. Vì thế, ngay lập tức kíp trực cấp cứu đã khẩn trương dốc "toàn lực" cứu bé, hút thông đường thở, cho thở oxy, dùng các loại thuốc vận mạnh, kháng sinh, rửa dạ dày…
Bệnh nhi tỉnh, tự thở, tiếp tục được điều trị và theo dõi tại Khoa Nhi của bệnh viện. Ảnh: BVCC.
Đến khoảng hơn 3h sáng 15/12, các chỉ số sinh tồn dần ổn định, trẻ đã tỉnh, tự thở, tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Nhi.
Bố bệnh nhi cho biết trước đó, khoảng 16h chiều 14/12, gia đình không thấy bé quanh nhà nên đi tìm, kết quả phát hiện bé nằm bất động nổi trên mặt nước ở ao gần nhà. Gia đình vội vã vớt cháu bé lên và thực hiện một số biện pháp cấp cứu đuối nước như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…
Khi thấy bé nôn ra được chút nước và cất được một tiếng khóc, gia đình vội vàng bế bé đi cấp cứu tại trạm y tế xã Phù Lưu. Sau đó trẻ được chuyển tuyến đến Trung tâm y tế huyện Hàm Yên và Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo trẻ nhỏ rất hiếu động, gia đình nên chú ý trông con cẩn thận. Phụ huynh tuyệt đối không để trẻ chơi gần ao, hồ, sông, suối, biển, tránh bị đuối nước. Nếu phát hiện có trẻ đuối nước, bạn cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Trường hợp trẻ bất tỉnh, hãy quan sát lồng ngực có di động hay không. Lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở, phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 lần, bạn cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái.
Không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, người sơ cứu cần hô hấp nhân tạo kèm ép tim ngoài lồng ngực theo tỷ lệ 15/2 (ép tim 15 cái, thổi ngạt 2 cái) khi có 2 người, hoặc 30/2 nếu một người. Sau đó, người sơ cứu vừa làm vừa đưa trẻ đến bệnh viện.
Tình huống trẻ còn tự thở, bạn để bé nằm nghiêng sang một bên, cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Sau đó, bạn nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện gần nhất.
Theo BS Nguyễn Trọng Dũng, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) với trẻ em chỉ sau 3-5 phút chìm dưới nước đã gây ngừng tim, để lại di chứng tổn thương não không thể phục hồi. Do vậy, việc phát hiện sớm trẻ đuối nước và sơ cứu kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp người đuối nước. Chỉ có khoảng 40-50% trường hợp chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương được sơ cứu đúng cách. Rất nhiều người vẫn có thói quen dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy hoặc đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp đã dừng lại để tiếp tục vác. Đây là cách sơ cứu hoàn toàn sai, làm lỡ cơ hội vàng cứu sống trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi được gia đình vớt từ dưới đầm lên, bé Hoàng H.N. (Quảng Ninh) đã ngừng thở, tím tái, hiện vẫn hôn mê, tiên lượng...