Bé 14 tháng tuổi suýt mất mạng do nuốt dị vật

Bệnh nhi P.D.K (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), 14 tháng tuổi nuốt phải các hạt nhỏ đính trên mũ vương miện đồ chơi suýt mất mạng.

Cách đây 1 tuần, (10/2), Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và mổ cấp cứu một trường hợp tắc ruột do nuốt phải dị vật.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, nôn dịch vàng, bụng mềm, chướng nhẹ, ấn đau trên rốn. Theo lời người nhà, khoảng 3 ngày trước khi nhập viện, trẻ quấy khóc, ăn uống kém hơn những ngày trước đó. Ngày 10/2, trẻ có quấy khóc tăng lên, kèm theo nôn dịch màu xanh sau ăn uống, trẻ không đi ngoài được trong 3 ngày trước khi vào viện.

Bé 14 tháng tuổi suýt mất mạng do nuốt dị vật - 1

Hình ảnh chụp Xquang. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Bố mẹ cháu K. cho biết, trước đó cháu có chơi chiếc mũ vương miện (không rõ xuất xứ), có khả năng trẻ vô tình nuốt phải các hạt nhỏ đính trên mũ mà gia đình không biết.

Theo Ths.Bs Nguyễn Văn Linh - Khoa Ngoại BVNTW, qua thăm khám và chụp X-quang, siêu âm bụng, các bác sĩ phát hiện có hình ảnh của dị vật trong bụng của trẻ, chẩn đoán tắc ruột do nuốt phải dị vật. Trẻ được mổ nội soi cấp cứu.

Kết quả tìm thấy có đoạn ruột giãn và đoạn ruột xẹp (gianh giới chố tắc ruột), tại ranh giới này thấy có dị vật hình trụ đường kính 0.5cm, dài 1 cm gây viêm hoại tử thành ruột lộ ra ngoài, dính với mạc treo tạo đọan gập góc gây tắc ruột.

Bé 14 tháng tuổi suýt mất mạng do nuốt dị vật - 2

Dị vật được lấy ra ngoài cơ thể bé K. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Các bác sĩ đã mở rộng vết mổ tại rốn (khoảng 2cm), đưa đoạn ruột tổn thương ra ngoài, cắt đoạn ruột bị tổn thương có chứa dị vật khoảng 5 cm (có 4 dị vật dính với nhau), nối lại ruột. Theo các bác sĩ, dị vật này chính là 4 hạt kim loại có từ tính giống như nam châm, có khả năng hút nhau.

Theo các chuyên gia, người già và trẻ em dễ mắc dị vật đường thở khi ăn uống nhất. Cấu tạo cơ thể con người có một nắp thanh môn mở ra khi nói, thở; đóng lại khi ăn nhằm tránh tình trạng thức ăn rơi vào đường thở.

Ở trẻ em, phản xạ phối hợp đồng bộ chưa được tốt nên có khi nắp thanh môn không đóng kín lúc ăn. Ở người già, quá trình lão hóa khiến trương lực cơ giảm và rối loạn nhu động cũng làm nắp thanh môn đôi khi không đóng kín, đặc biệt là người có tiền sử bị tai biến thì nguy cơ hít sặc càng cao

Các chuyên gia  khuyến cáo, hóc dị vật đường thở hay nuốt phải dị vật là một trong những tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chính là do cha mẹ bất cẩn, không để ý tới con. Do vậy, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần thiết phải để mắt tới trẻ mọi lúc, mọi nơi, xây dựng cho trẻ một môi trường an toàn để trẻ có thể phát triển một cách tốt nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN