Bé 13 tháng tuổi gãy xương hàm vì vật dụng thường có trong nhiều gia đình
Bác sĩ khuyến cáo, trong giai đoạn trẻ tập đứng và tập đi, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý và theo sát trẻ.
Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực cơ sở Hoàng Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhi T.P.C (13 tháng tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) trong tình trạng chảy nhiều máu vùng miệng do ngã úp mặt từ xe đẩy xuống đất.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ giảm đau, chỉ định chụp cắt lớp vùng hàm mặt. Kết quả cho thấy cháu bị gãy rời di lệch thân xương hàm dưới kèm sưng nề - tụ khí phần mềm xung quanh. Bệnh nhi bị gãy lồi cầu bên trái xương hàm dưới, đường gãy đi vào diện khớp.
Sau khi nhập viện, bệnh nhi được chuyển ngay sang điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau quá trình thăm khám và hội chẩn toàn khoa, Lãnh đạo khoa Răng Hàm Mặt đã quyết định phẫu thuật sớm nhất có thể để khắc phục tình trạng của bệnh nhi.
Vùng mặt của bệnh nhi bị chấn thương nặng do ngã xe đẩy.
Theo quy trình thông thường, bệnh nhân sẽ phải trải qua hai lần gây mê: Lần thứ nhất để lấy dấu phần xương hàm gãy, và lần thứ hai, sau 1-2 ngày, để thực hiện phẫu thuật cố định xương hàm.
ThS.BSNT Dương Chí Hiếu – Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã trực tiếp thực hiện việc lấy dấu, chế tạo máng phẫu thuật nắn chỉnh, cố định xương hàm. Do bệnh nhi chỉ mới 13 tháng tuổi nên việc thực hiện phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu và sự cẩn trọng đặc biệt. Các thao tác được thực hiện nhẹ nhàng, tỉ mỉ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi, đồng thời giảm thiểu tối đa sự xâm lấn và tổn thương. Việc lựa chọn phương pháp gây mê phù hợp và thời gian thực hiện phẫu thuật ngắn cũng là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe và tạo điều kiện cho quá trình hồi phục nhanh chóng.
Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhi không còn quấy khóc và nhanh chóng hồi phục, trở lại trạng thái vui chơi bình thường. Sau 5 ngày điều trị, bé đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Theo TS.BS. Đặng Triệu Hùng – Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, gãy xương hàm dưới là một trong những tổn thương thường gặp nhất trong các chấn thương xương hàm mặt ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ trong độ tuổi tập đi. Chấn thương này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm mà còn có thể tác động đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này. Đồng thời, các phác đồ điều trị gãy xương hàm dưới cũng có sự khác biệt rõ rệt tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng của trẻ. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị gãy xương hàm dưới sớm, chính xác là vô cùng quan trọng để tránh những biến chứng lâu dài cho sự phát triển của trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo rằng trong giai đoạn trẻ tập đứng và tập đi, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý và theo sát trẻ, vì chỉ trong một giây phút lơ đễnh, tai nạn có thể xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng và khó lường.
Để phòng ngừa tai nạn trong giai đoạn này, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau:
Theo dõi sát khi sử dụng xe tập đi cho trẻ, đảm bảo trẻ ngồi ở những vị trí an toàn, tránh những độ cao nguy hiểm.
Làm lưới an toàn tại các khu vực dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt là ở những nơi có thể gây té ngã.
Đối với chấn thương nặng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.
Trong trường hợp chấn thương ban đầu, tránh kích thích hoặc làm trẻ hoảng sợ, hạn chế các động tác làm tổn thương thêm đến vùng hàm.
Nếu trẻ bị chảy máu nhiều, cần để trẻ nằm nghiêng để tránh máu chảy vào họng, gây tắc nghẽn đường thở.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng trẻ bị gãy xương hàm thường gặp khó khăn trong việc ăn uống do đau và hạn chế mở miệng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý cho trẻ ăn thức ăn mềm như cháo xay nhuyễn hoặc sữa để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, cha mẹ cần giữ cho trẻ tinh thần thoải mái, vui vẻ và lạc quan trong suốt quá trình điều trị.
Khi trẻ bị gãy xương hàm, cha mẹ cần theo dõi tình trạng tại nhà và báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Đồng thời, cần khám lại theo lịch hẹn để đảm bảo việc điều trị và phục hồi được tiến hành đúng phương pháp và hiệu quả.
Bé trai 2 tuổi bị nấm miệng nên gia đình đã mua thuốc cam để đánh tưa lưỡi trong 7 ngày.
Nguồn: [Link nguồn]