Bao giờ có vắc-xin?

Những ngày qua, nhiều điểm tiêm chủng đã buộc phải tạm ngừng tiêm một số vắc-xin dịch vụ do “cháy hàng”. Tình trạng hết vắc-xin giữa mùa dịch đã khiến dư luận lo lắng.

Hai lần đưa cô con gái 15 tháng tuổi đến 2 điểm tiêm chủng dịch vụ lớn tại TP Hà Nội để tiêm phòng thủy đậu nhưng vợ chồng anh Nguyễn Vũ Trung (ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) đành trở về trong nỗi lo lắng khi nhận được thông tin “hết vắc-xin”.

Hết sạch

Anh Nguyễn Thế Anh ở quận Tây Hồ cũng bày tỏ sự búc xúc khi ba lần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ mới tiêm được vắc-xin tổng hợp “6 trong 1” cho cậu con trai 3 tháng tuổi với giá 700.000 đồng/mũi. Chỉ được mũi đầu, đến mũi tiêm thứ 2, đơn vị tiêm chủng này hẹn vợ chồng anh chờ thêm một thời gian nữa do hết sạch vắc-xin.

Tại nhiều thành phố lớn, vắc-xin thủy đậu, cúm mùa, vắc-xin tổng hợp (“5 trong 1”, “6 trong 1”), vắc-xin “3 trong 1” ngừa sởi, quai bị, Rubella... cũng trong tình trạng cạn kiệt. Đã có tình trạng một số cơ sở y tế tư nhân trữ vắc-xin nay thừa cơ nâng giá.

Theo các chuyên gia dịch tễ, vào thời điểm này, nhiều dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó có dịch sởi, thủy đậu, cúm gia cầm. Dịch sởi bùng phát, liền ngay sau đó là bệnh thủy đậu cũng gia tăng khiến nhiều bậc cha mẹ vội vàng đưa con đi tiêm phòng. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm vẫn là mối nguy cơ lớn đối với người dân. Hiện vắc-xin ngừa cúm mùa chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên người dân buộc phải chủ động tiêm vắc-xin dịch vụ để phòng bệnh. Tuy nhiên, tại một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ ở Hà Nội, vắc-xin ngừa cúm mùa cho trẻ em cũng… hết hàng.

Chờ đến khi nào?

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân thiếu một số vắc-xin phòng bệnh là do cơ quan quản lý đã không chủ động được việc cung ứng vắc-xin cũng như không phê duyệt cho nhập kịp thời. Do vậy, đúng vào thời điểm nhiều dịch rộ lên thì không ít điểm tiêm chủng dịch vụ đã không có đủ vắc-xin do chưa kịp nhập hàng.

Một số bác sĩ cho biết bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh nên có mức độ lây lan rất nhanh. Thế nhưng, Việt Nam bị động ở khâu phòng bệnh vì tất cả vắc-xin ngừa thủy đậu đều nhập từ nước ngoài (vắc-xin ngừa thủy đậu là vắc-xin sống đòi hỏi công nghệ hiện đại nên các công ty trong nước chưa sản xuất được). Hiện 2 loại vắc-xin thủy đậu được sử dụng phổ biến ở các điểm tiêm chủng dịch vụ có xuất xứ từ Bỉ và Nhật.

Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tiêm phòng là phương pháp tốt nhất phòng chống bệnh dịch nhiễm trùng. Nếu trẻ em không được bảo vệ trước các bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin thì nguy cơ các dịch bệnh quay trở lại rất lớn. Nhờ có tiêm chủng mà mỗi năm có hàng ngàn trẻ tránh được tử vong hoặc tàn phế do được phòng bệnh chủ động.

Dù vậy, nhiều ngày qua, tình trạng “cháy” vắc-xin phòng bệnh, thậm chí có loại “hết không biết đến khi nào mới có”, đúng cao điểm của mùa dịch đã khiến các bậc cha mẹ thêm lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của con em mình. 

Tính chu kỳ dịch để cảnh báo người dân

GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cho rằng để đối phó với các dịch bệnh, cần chủ động tuyên truyền cho người dân tiêm phòng trước mùa dịch. Đồng thời, các đơn vị phân phối, nhập khẩu và cơ quan y tế cần phối hợp để có dự trù vắc-xin phù hợp với nhu cầu người dân. Cũng theo ông Huấn, thực tế nhiều dịch bệnh bùng phát theo chu kỳ, do đó để phòng bệnh hiệu quả, cơ quan y tế cần có khuyến cáo, hướng dẫn phòng bệnh trước mùa dịch, ngay cả việc tiêm phòng cũng nên chủ động trước mùa dịch 2-4 tháng để cơ thể có kháng thể bảo vệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN