Bao giờ bệnh nhân thực sự là 'Thượng đế'?

Tại sao lượng bệnh nhân đổ ra nước ngoài khám chữa bệnh vẫn ngày càng gia tăng?

Nước ngoài đến Việt Nam học Y

Trong những năm gần đây, ngành y tế nước ta liên tục ghi nhiều dấu ấn trong xã hội và trong mắt bạn bè quốc tế với nhiều thành tựu nổi bật. Vừa qua, 26 công trình thuộc 11 lĩnh vực được quốc tế công nhận là thành tựu y dược nổi bật của Việt Nam như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nhãn khoa, hỗ trợ sinh sản, phẫu thuật nội soi, can thiệp chấn thương chỉnh hình,…

Bao giờ bệnh nhân thực sự là 'Thượng đế'? - 1

Một ca ghép thận được thực tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết: Viện có thể điều trị hầu hết các bệnh lý huyết học có trong y văn, từ loại bệnh phổ biến như: Lơ xê mi, suy tủy xương, tan máu bẩm sinh, U lympho ác tính… cho đến các loại bệnh rất hiếm gặp như: Hội chứng rối loại sinh tủy ở trẻ em, thiếu hụt yếu tố đông máu V, VII…

Nhiều kỹ thuật cao được các BV trong nước thực hiện rất thành công như: BV Đại học Y Dược TP HCM áp dụng kỹ thuật nong mạch điều trị bệnh mạch máu não và tủy sống; BV Mắt TW thực hiện thành công ghép giác mạc lớp trước, lớp sau và ghép nội mô giác mạc;… Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 900 ca can thiệp tim mạch được thực hiện tại BV Nhi Đồng 1. Chúng ta cũng đã thực hiện thành công trên 600 ca ghép thận, 24 ca ghép gan, 7 ca ghép tim,…

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM cho biết: Một trường hợp đặc biệt là TS. C.H, chuyên gia nổi tiếng thế giới hiện nay, ông là đồng tác giả của quyển sách giáo khoa về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nổi tiếng nhất thế giới (tái bản đến lần thứ 4) đã đến Việt Nam để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) và thành công. Con trai ông hiện đã được 4 tuổi và ông này cũng đã cho hình ảnh của con lên quyển sách giáo khoa về TTTON của ông. Việc ông đến Việt Nam để thực hiện TTTON cũng là một sự kiện chấn động trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới. Điều này cho thấy sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật này tại Việt Nam.

Có thế nói những kỹ thuật cao, y tế trong nước hoàn toàn có thể thực hiện rất tốt. Chính vì sự tài hoa, khéo léo của các bác sĩ Việt Nam mà các bác sĩ từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã tìm đến Việt Nam để học tập kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chuyên môn của bác sĩ Việt Nam.

Mỗi năm BV Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 20 bác sĩ nước ngoài đến học về kỹ thuật nội soi. Từ năm 2004, chúng ta bắt đầu nhận đào tạo chuyển giao công nghệ hỗ trợ sinh sản cho các đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Trung tâm CREST thuộc khoa Y - Đại học Quốc gia TP HCM là 1 trong 4 trung tâm đào tạo hỗ trợ sinh sản lớn của khu vực Châu Á (Singapore, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc).

Những bác sĩ nước ngoài cũng rất tự hào vì được đào tạo chuyên môn tại Việt Nam, nơi một số kỹ thuật phát triển ngang tầm quốc tế.

Có thể nói, y tế Việt Nam đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận. Về mặt chuyên môn nhiều bác sĩ nước ta có trình độ cao, tay nghề phẫu thuật khéo léo; thiết bị công nghệ mới, kỹ thuật điều trị cao cấp, hiện đại được ứng dụng và cập nhật liên tục không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Dù vậy, tại sao vẫn có nhiều người Việt ra nước ngoài điều trị?

Ngoài tâm lý sính ngoại của một bộ phận người dân, thì đó còn vì chất lượng phục vụ của y tế trong nước còn thua kém các nước trên thế giới, tình trạng quá tải, sự phát triển y tế chưa đồng bộ với các dịch vụ liên quan là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh nhân vẫn chưa có được sự hài lòng.

Bao giờ bệnh nhân là “Thượng đế”?

Các BV chuyên khoa, đầu ngành ở nước ta hầu hết bệnh nhân rất đông, quá tải trầm trọng, dịch vụ kém, cơ sở vật chất thiếu tiện nghi, chật chội, ý thức phục vụ kém,… Do đó, không tránh khỏi tình trạng những bệnh nhân có điều kiện kinh tế chọn ra nước ngoài khám bệnh ngày càng gia tăng.

Các bác sĩ cho biết: Ngay cả nhiều cán bộ công quyền cũng chọn lựa ra nước ngoài để khám bệnh thì nói gì đến người dân.

PGS. TS Võ Văn Thành - Trưởng Khoa cột sống A, BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM cho biết: “Hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày đi Singapore, Thái Lan và một số nước khác khám chữa bệnh hầu hết là “đại gia”, VIP… họ cần sự tiếp đãi ân cần, chỗ điều trị lịch sự, chuyên môn cao và ít nhiều “kín đáo”, xứng đáng với vị trí xã hội và đồng tiền họ bỏ ra. Do đó, họ chọn ra nước ngoài điều trị vì trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu này”.

Bao giờ bệnh nhân thực sự là 'Thượng đế'? - 2

Quá tải bệnh viện là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân đổ ra nước ngoài

PGS. TS Võ Văn Thành cũng chia sẻ thêm: “Không ít bệnh nhân tìm đến BV Chấn thương - Chỉnh hình TP HCM để điều trị nhưng rồi “tháo chạy”. Họ giải thích, dù chuyên môn của bác sĩ có giỏi cách mấy nhưng BV lại quá tải, bát nháo, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, xuống cấp… thì họ vẫn chọn ra nước ngoài chữa trị.

Ở nước ta, nhắc đến việc đi khám bệnh thì hầu hết mọi người đều ngao ngán bởi phải chờ đợi quá lâu, trong tình trạng quá xô bồ. Bệnh nhân cũng ít khi nhận nụ cười và sự giải thích ân cần, cặn kẽ của cán bộ y tế. Trong khi đó, ở các nước y tế được xem là dịch vụ, bệnh nhân là khách hàng nên họ xem bệnh nhân là “Thượng đế”, phục vụ tận tình, chu đáo. Chính vì thế, mặc dù phải tốn nhiều tiền để chữa bệnh bệnh nhân vẫn cảm thấy hài lòng.

Những điều trên cho thấy, nếu không phát triển đồng bộ giữa chuyên môn và chất lượng phục vụ thì khó giải quyết được tình trạng bệnh nhân vẫn đổ ra nước ngoài điều trị, mặc dù phí khám chữa bệnh ở các nước có thể cao gấp chục, gấp trăm lần Việt Nam.

Theo PGS.TS Võ Văn Thành, bao giờ các nhân vật VIP có bệnh mà thích ở Việt Nam điều trị thì ngành y tế nước ta mới được coi là tốt, là có “đẳng cấp”!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Phương (Petrotimes)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN