Bào chế thuốc giảm đau từ nọc ốc nón
Các nhà khoa học Úc tại ĐH Queensland đã tạo ra 5 hoạt chất thử nghiệm mới từ một loại protein có trong nọc độc ốc nón nhằm nghiên cứu bào chế một dạng thuốc uống giảm đau mới.
Hãng tin UPI dẫn lời nhóm nghiên cứu cho rằng 1 trong 5 hoạt chất nói trên là conotoxin, có thể được bào chế thành phương thuốc trị đau thần kinh mạn tính mạnh hơn morphine. Chủ nhiệm nghiên cứu, TS David Craik, cho biết thuốc không gây nghiện do tác động lên những thụ thể khác ở não so với các loại thuốc giảm đau hiện nay.
Dù chưa được thử nghiệm lâm sàng nhưng các nhà khoa học này hy vọng thuốc có thể ít gây tác dụng phụ hơn do hoạt động theo cơ chế khác. Trên thực tế, conotoxin đã được sử dụng làm thuốc giảm đau nhưng là dạng tiêm vào vùng cột sống dưới chứ không phải uống như của nhóm nghiên cứu này.
Ốc nón thường sinh sống ở vùng biển nhiệt đới. (Ảnh UPI)
Ốc nón thường có nhiều ở vùng biển nhiệt đới, chúng dùng nọc độc để làm tê liệt con mồi. Nghiên cứu nói trên được báo cáo tại hội nghị thường niên của Hội Hóa học Mỹ trong tuần này.