Báo cáo về nguồn gốc COVID-19 sắp được WHO công bố
Các điều tra về nguồn gốc dịch COVID-19 của nhóm chuyên gia WHO dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng 3.
"Chúng tôi quyết định sẽ công bố cả 2 báo cáo cùng một lúc, bao gồm báo cáo tóm tắt và báo cáo đầy đủ vì chúng tiếp nối nhau. Kế hoạch hiện tại là tuần 14-15/3", Peter Ben Embarek, người dẫn đầu nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong cuộc họp báo ngày 5/3.
Trước đó, Thời báo phố Wall ngày 4/3 dẫn nguồn thạo tin cho biết nhóm chuyên gia của WHO có ý định hủy bỏ báo cáo sơ bộ về kết quả thu được sau gần 1 tháng điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc. Trả lời báo chí qua email, người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic cho biết: "Báo cáo đầy đủ dự kiến được công bố trong vài tuần tới".
Cuối tháng 1, phái đoàn gồm 17 chuyên gia của WHO và chuyên gia độc lập quốc tế đã đến Vũ Hán, Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Cuộc điều tra của phái đoàn WHO trên danh nghĩa kéo dài gần 1 tháng, nhưng 2 tuần đầu họ bị cách ly theo quy định phòng dịch của nước sở tại.
Cuộc điều tra của WHO đối mặt nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có chỉ trích việc chậm trễ công bố báo cáo. Cuộc điều tra này cũng gặp trở ngại, trong đó có lo ngại về việc tiếp cận dữ liệu và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington cáo buộc Bắc Kinh che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 ở giai đoạn đầu bùng phát, đồng thời đặt ra nghi vấn virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc chuyến điều tra tại Trung Quốc, WHO không loại trừ khả năng virus lây nhiễm qua thực phẩm đông lạnh - giả thuyết mà chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc đều ủng hộ. Kết luận mơ hồ tại cuộc họp báo của nhóm điều tra WHO, trong đó chuyên gia Embarek khẳng định "rất ít khả năng" rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đã vấp phải sự hoài nghi từ cộng đồng quốc tế.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan bày tỏ quan ngại về những phát hiện ban đầu của nhóm điều tra WHO, đồng thời kêu gọi Trung Quốc cung cấp cho các nhà khoa học đầy đủ dữ liệu ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch. Đồng quan điểm này, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 15/2 nói rằng, các nước lớn nên ký một hiệp ước về đại dịch để đảm bảo sự minh bạch cần thiết.
Tổ chức Y tế Thế giới vừa giải đáp mọi thắc mắc về vắc-xin phòng COVID-19 của Astra Zeneca.
Nguồn: [Link nguồn]