Bài thuốc hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Trong điều trị sốt xuất huyết, kết hợp giữa tây y và y học cổ truyền rất hiệu quả trong giai đoạn sớm của bệnh, giúp hạn chế bệnh chuyển nặng, người bệnh nhanh chóng bình phục sức khỏe và giảm chi phí điều trị…

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti.

Sốt xuất huyết thuộc phạm vi chứng "Ôn dịch" hoặc "Dịch chẩn" của Y học cổ truyền.

Các dấu hiệu sốt xuất huyết nặng và có biến chứng cần được nhập viện sớm:

- Mệt lả, bứt rứt.

- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

- Nôn ói nhiều.

- Đau bụng nhiều.

- Không ăn uống được.Tay chân lạnh, ẩm.

- Không tiểu trên 6 giờ.

- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo...

Sau đây là một số điểm cần lưu ý theo dõi sức khỏe và điều trị tại nhà bằng Đông Tây y kết hợp:

1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị sốt

Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol 10-15 mg/kg cân nặng, cách 4-6 tiếng khi sốt trên 38,5 độ C.

Lưu ý: Một số thuốc hạ sốt chống chỉ định dùng trong sốt xuất huyết như ibuprofen, aspirin (thuốc làm tăng nguy cơ sốc và giảm tiểu cầu là một trong các biến chứng dễ gây tử vong do sốt xuất huyết).

Việc dùng các liệu pháp hạ sốt cơ học, các thuốc đông y hợp lý giúp bệnh nhân nhanh cắt sốt và hạn chế nguy cơ biến chứng nặng.

1.1 Bài thuốc nam độc vị trị sốt

Bài 1: Cây nhọ nồi tươi 30 gam.

-Cách dùng: Lấy toàn bộ phần cây trên mặt đất, rửa sạch, giã nát, uống sống, hoặc đun sôi uống ấm, uống thay nước, bã đắp vùng trán khi sốt, chườm nước ấm vùng trán, nách bẹn.

-Công dụng: Cây nhọ nồi có vị ngọt, chua, tính mát, vào kinh can, kinh thận; có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, tư âm, cầm máu, bổ can thận. Dùng trong sốt xuất huyết giai đoạn vệ, khí - tương đương giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh.

Bài 2: Bột sắn dây 15 gam, pha uống ấm với đường và 200 ml nước, ngày uống 2 lần.

-Công dụng: Cát căn (sắn dây củ) vị ngọt, cay, tính mát qui kinh phế, tỳ, vị. Trị chứng sốt, mất nước đặc biệt sốt xuất huyết. Cát căn làm cho thoái nhiệt, sinh tân tiêu khát, còn có tác dụng giải cơ chữa đau mỏi các khớp, cơ bắp do sốt xuất huyết gây ra.

Bài 3: Bản lam căn 20 gam.

-Cách dùng: Sắc cùng 1500 ml nước, chia 3 lần uống ấm trong ngày.

-Công dụng: Bản lam căn có vị đắng, tính hàn vào kinh tâm, vị; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, thanh nhiệt giải độc, phù hợp với trường hợp sốt xuất huyết giai đoạn vệ và khí tương đương giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh đang có sốt.

Cây và vị thuốc bản lam căn.

Cây và vị thuốc bản lam căn.

1.2 Bài thuốc kết hợp hỗ trợ hạ sốt

Bài 1:

- Thành phần:

Cây nhọ nồi tươi: 30 gamDấp cá tươi: 20 gamBản lam căn: 15 gam

- Cách dùng: Các vị thuốc tươi rửa sạch, giã hoặc xay nhỏ, đun uống tươi, hoặc đun sôi cùng vị thuốc Bản lam căn uống ấm.

- Công dụng: Cây nhọ nồi có vị ngọt, chua, tính mát, vào kinh can, kinh thận; có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, tư âm, cầm máu, bổ can thận. Dấp cá có vị cay, chua, mùi tanh (khi đun sôi hết mùi tanh), tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Bản lam căn có vị đắng, tính hàn vào kinh tâm, vị; có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, thanh nhiệt giải độc, phù hợp với trường hợp sốt xuất huyết giai đoạn vệ và khí. Tùy điều kiện thực tế nguồn dược liệu tại các địa phương có thể gia thêm: Rau má tươi 20 gam, lá tre 16 gam, sắn dây củ 20 gam, cối xay (sao vàng) 12 gam.

Bài 2:

- Thành phần:

Cát căn 20 gamBản lam căn 15 gam

- Cách dùng: Các vị thuốc trên sắc cùng 1500 ml nước, chia 3 lần uống ấm trong ngày.

- Công dụng: Cát căn vị ngọt, cay, tính mát qui kinh phế, tỳ, vị; trị chứng sốt, mất nước đặc biệt sốt xuất huyết. Cát căn làm cho thoái nhiệt, sinh tân tiêu khát, còn có tác dụng giải cơ chữa đau mỏi các khớp, cơ bắp do sốt xuất huyết gây ra.

Bản lam căn có vị đắng, tính hàn vào kinh tâm, vị; có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, thanh nhiệt giải độc, phù hợp với trường hợp sốt xuất huyết giai đoạn vệ và khí.

Lưu ý: Không dùng phương pháp xông hơi hay châm cứu trong sốt xuất huyết.

2. Bài thuốc hỗ trợ điều trị khi bị xuất huyết

Thành phần:

Cỏ nhọ nồi sao đen: 15 gamTrắc bách diệp sao đen: 15 gamHuyết dụ: 15 gam

-Cách dùng: Sắc cùng 1500 ml nước, chia 3 lần uống ấm trong ngày.

-Công dụng: Cây nhọ nồi sao đen, trắc bách diệp sao đen (sao thán) có tác dụng cầm máu, huyết dụ có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, cầm máu. Dùng cho người sốt xuất huyết. Gia thêm tiên hạc thảo 15 gam nếu có nôn ra máu.

3. Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau bụng

Bài thuốc 1- Cát căn cầm liên thang gia giảm:

Cát căn (sắn dây): 12 gamHoàng cầm: 12 gamHoàng liên: 04 gamTrích cam thảo: 04 gam

- Cách dùng: Đun cát căn trước, rồi cho các vị thuốc sắc sau, bỏ bã, chia đều 3 lần uống ấm trong ngày.

- Công dụng: Chữa chứng tả lỵ mới mắc còn biểu chứng.

Vị thuốc cát căn

Vị thuốc cát căn

Bài thuốc 2 - Chữa đau dạ dày, tá tràng:

Nhọ nồi: 12 gam

Đại táo: 10 quả

Cây xương khỉ: 15 gam

- Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

- Công dụng: Cây nhọ nồi có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, tư âm, cầm máu, bổ can thận. Cây xương khỉ có vị ngọt, tính bình, có tác dụng mát gan lợi mật, cầm máu, chữa viêm dạ dày. Đại táo có vị ngọt tính ôn, có tác dụng đại bổ nguyên khí.

4. Bài thuốc phòng ngừa sốc do sốt xuất huyết

Bài thuốc - Độc sâm thang

Nhân sâm 12 gam (4 lát), hãm nước sôi 100 độ C, uống ấm.

Lưu ý: Uống nhiều nước, nước cam, nước cây nhọ nồi, dấp cá, nước ép các loại rau, quả chứa nhiều vitamin C, lá hoè, đun uống thay nước, nước bột sắn dây, ăn nhiều thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa, sữa từ các hạt dinh dưỡng, pha oresol đúng tỷ lệ uống thay nước...

5. Phòng bệnh sốt xuất huyết

Giữ vệ sinh nơi ở thoáng mát, sạch sẽ, tránh để nước đọng tạo điều kiện cho loăng quăng và muỗi vằn phát triển; nằm màn tránh muỗi đốt, dùng các loại tinh dầu, trồng cây thảo dược chứa tinh dầu để xua đuổi muỗi – đó chính là vật chủ trung gian làm lây lan bệnh.

Mang thai bị sốt xuất huyết, phải làm sao?

Ở phụ nữ mang thai, virus gây bệnh sốt xuất huyết có khả năng gây bệnh nặng hơn do sự suy giảm hệ miễn dịch trong thai kỳ. Vì vậy, bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThS. BS Trần Thị Tới ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN