Bác sỹ chỉ cách chống mụn và dị ứng do đeo khẩu trang
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người đã sử dụng khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ lây nhiễm virus. Tuy nhiên, với một số người thì việc đeo khẩu trang liên tục như vậy có thể khiến làn da bị kịch ứng hoặc nổi mụn.
Ảnh minh họa: Internet
Lý giải nguyên nhân dẫn đến điều này, BS. Đặng Bích Diệp – Trưởng phòng Công tác xã hội - Bác sĩ Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương cho biết, khi đeo khẩu trang nhiều quá, làn da bị "bí thở", mồ hôi không thể thoát ra và dễ bị nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, những khẩu trang kém chất lượng, chất liệu không tốt cũng có thể là nguyên nhân gây kích ứng da và khiến da nổi mụn.
Ngoài ra, với một số người đeo khẩu trang lại bị nổi nốt mẩn đỏ và ngứa. Đây là tình trạng phản ứng dị ứng của da khi tiếp xúc với các chất hoặc vật dụng có chất gây dị ứng. Biểu hiện của phản ứng là da bị viêm đỏ, chảy nước, sưng và ngứa nhiều tại chỗ tiếp xúc. Phản ứng của da có thể xảy ra trong lần tiếp xúc lần đầu, nhưng thông thường chúng xuất hiện sau những lần tiếp xúc cách quãng và từ 5-7 ngày sau lần tiếp xúc ban đầu. Có rất nhiều hóa chất có thể gây dị ứng da có thể có trong khẩu trang mà bạn sử dụng, như hóa chất để pha chế, chất nhuộm, thuốc sát trùng, chất tẩy, xà phòng…
Ảnh minh họa: Internet
Tùy theo mức độ phản ứng, triệu chứng có thể gặp:
Tại chỗ: Tại vùng da bị tiếp xúc xuất hiện triệu chứng ngứa, viêm đỏ, rỉ nước phù nề, đặc biệt rất ngứa. Nếu bị nhiều lần, da thường dày lên do gãi, chà xát.
Toàn thân: Nếu phản ứng da nặng, thường do hóa chất dùng trong công nghiệp, nông nghiệp, các dấu hiệu trên có thể xuất hiện rải rác toàn thân, đôi khi kèm theo nổi mề đay hoặc xuất hiện cơn hen phế quản ở người có thể tạng dị ứng hoặc bị hen phế quản trước đó.
Để giảm bệnh, cần lưu ý tìm ra các hóa chất, vật dụng gây viêm da tiếp xúc. Sau đó loại bỏ không dùng sản phẩm, đồ dùng đã gây phản ứng thì bệnh sẽ tự giảm hoặc khỏi hẳn hoàn toàn.
Viêm da tiếp xúc nhẹ:
Chỉ ngứa, rỉ nước vùng da nhỏ có thể bôi dung dịch Milian, tím Gentian, rửa thuốc tím hoặc kem Corticoide nhẹ như Cortibion.
Nhưng cần nhớ: nếu bôi thuốc trong 3 ngày không bớt, phải đi khám bệnh. Không được bôi thuốc nhiều lần và quá 3 ngày. Ngoài ra, không được bôi các bột kháng sinh như Penicilline, Tetracyline… vào chỗ da ngứa, chảy nước. – Trường hợp nặng hơn: Ngứa lan rộng, phản ứng nhiều nơi, bạn nên đến bác sĩ khám bệnh để được điều trị đúng cách.
Ảnh minh họa: Internet
Để hạn chế tình trạnh kích ứng da và nổi mụn do phải đeo khẩu trang quá nhiều, BS. Diệp khuyến cáo người dân cần:
- Rửa tay sạch trước khi đeo khẩu trang, trước và sau khi tháo khẩu trang.
- Khi tháo khẩu trang, tránh chạm vào mặt ngoài của khẩu trang vì nó có thể có mầm bệnh.
- Sau khi tháo khẩu trang, gập khẩu trang sao cho mặt ngoài của khẩu trang được gập vào phía trong, sau đó để khẩu trang vào túi nhựa hoặc túi giấy trước khi cho vào thùng rác có nắp đậy.
- Thay khẩu trang ngay khi bị ẩm, nhiễm bẩn (máu hoặc dịch tiết bắn vào khẩu trang..), bị rách.
- Dùng thêm kem chống nắng nếu sử dụng khẩu trang để hạn chế tình trạng màu da mặt không đồng đều.
- Hạn chế dưỡng ẩm quá nhiều hoặc trang điểm dày khi đeo khẩu trang.
- Rửa mặt bằng nước sạch sau khi sử dụng khẩu trang.
Nguồn: [Link nguồn]
WHO cảnh báo, việc đeo khẩu trang sai cách không những không ngăn chặn được virus mà thậm chí còn tăng nguy cơ phát tán virus...