Bác sỹ bày cách phòng chống ho gà “tấn công” trẻ
Trước tình trạng trẻ mắc ho gà nhập viện với nhiều biến chứng nặng, 4 trẻ tử vong trong những tháng đầu năm 2017, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh.
Ảnh minh hoạ: Internet
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến bệnh ho gà tăng trở lại tại Hà Nội và một số tỉnh/ thành phố khác là do trẻ không được tiêm vắc xin đầy đủ.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi TƯ cho biết một trong những lý do trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc ho gà là do kháng thể truyền từ mẹ sang con không có chất chống lại ho gà do trước đó sản phụ chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh này. Vì vậy, phụ nữ có thai cũng có thể tiêm ngừa bệnh ho gà để có kháng thể phòng bệnh cho con ở giai đoạn sơ sinh.
Triệu chứng giúp nhận biết sớm bệnh ho gà, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh này thường khởi đầu bằng cơn sốt nhẹ (có thể không có sốt), có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ thường ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt, nôn. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly, đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. |
Số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, chỉ tính riêng trong gần 2 tháng qua, khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 50 trẻ mắc bệnh ho gà có biến chứng nặng. Qua khai thác bệnh án, đa số trẻ bị bệnh đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc xin phòng bệnh này. Bệnh nhân đến rải rác từ Hà Nội và các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình…
Đáng lo ngại là hầu hết trẻ đến viện trong tình trạng muộn hoặc trước đó được chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác như viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Đến khi uống thuốc mãi không khỏi, bị biến chứng viêm phổi, thậm chí đã bắt đầu xuất hiện tình trạng suy hô hấp mới được đưa đến bệnh viện, vì thế không ít trường hợp phải thở máy, có những trường hợp phải điều trị kéo dài hàng tháng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin tổng hợp 5 trong 1 Quinvaxem (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib) có tác dụng phòng bệnh ho gà.
Nhờ thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt với khoảng 25 triệu liều vắc xin Quinvaxem đã được tiêm cho trẻ trên cả nước từ giữa năm 2010 đến nay, số ca mắc ho gà cũng như các bệnh bạch hầu, uốn ván… đã giảm mạnh. Tuy nhiên, sau khi xảy ra một số vụ tai biến sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, tỷ lệ người dân đưa trẻ đi tiêm chủng loại vắc xin này ở một số địa phương có sụt giảm.
Trên thực tế, trong số các bệnh nhi mắc ho gà biến chứng nặng phải vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương gần một tháng qua, số bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao. Đây là thời điểm mà trẻ chưa đến tuổi tiêm đủ 3 mũi vắc xin Quinvaxem để phòng bệnh, trong khi theo khuyến cáo nếu tiêm đủ 3 mũi có thể bảo vệ được tới trên 90%, còn với trẻ chưa tiêm đủ 3 mũi thì khả năng bảo vệ miễn dịch chỉ khoảng 60%.
Trước thực trạng bệnh nhi nhập viện tăng do mắc ho gà và ghi nhận 4 ca tử vong do bệnh này, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện triệt để việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Tổ chức rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, thông báo đối tượng tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều, đặc biệt là vắc xin có chứa thành phần ho gà, tránh bỏ sót đối tượng. Thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng.
Ngoài ra, các BS cũng khuyến cáo, để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, tránh tình trạng trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ mũi đã mắc ho gà, tốt nhất là các bà mẹ khi mang thai nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh, nhằm tạo hệ miễn dịch sớm cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ.