Bác sĩ vô tư kê toa thực phẩm chức năng

Lãnh đạo viện: Viện có chủ trương là đơn thuốc chính thức và đơn thuốc hỗ trợ tách riêng ra và bác sĩ được phép cho thực phẩm chức năng để hỗ trợ (!).

Năm 2008, Bộ Y tế đã có quyết định về việc ban hành quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Tại mục c khoản 3 Điều 6 quy định rất rõ ràng, đó là không được kê thực phẩm chức năng (TPCN) trong toa thuốc. Tuy nhiên, tại Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, bác sĩ vẫn kê TPCN trong toa thuốc rất vô tư.

Thuốc, TPCN lẫn lộn

Chị VMT (quận 12) đưa con đến Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM khám hội chứng Cushing (một bệnh nội tiết do rối loạn sản xuất hormone vỏ thượng thận gây gia tăng mạn tính hormone glucocorticoid không kìm hãm được). Sau khi khám xong, bác sĩ kê toa cho con chị gồm bốn loại thuốc: điền kinh hoàn (một lọ), thất bảo mỹ nhiệm sơn (hai lọ), cigapan (30 viên) và tidicaps (100 viên).

Theo lời chị T., thấy lọ cigapan ghi bên ngoài là TPCN chị không cho con dùng mà đem lại viện phản ánh, nơi này xin lỗi và chấp nhận hoàn tiền lại. Tuy nhiên, khi PV Pháp Luật TP.HCM cầm toa thuốc của con chị T. thì phát hiện thêm tidicaps cũng là TPCN chứ không phải là thuốc. Chị T. bức xúc: Các công ty này lừa người dùng, bởi chữ TPCN ghi ở dưới đáy hộp nên chị không nhìn thấy. “Theo quy chế kê đơn mà tôi biết thì bác sĩ không được kê TPCN. Hơn nữa, những TPCN này không dính dáng gì đến bệnh của con tôi. Chẳng hạn, hỗ trợ cải thiện tình trạng tiểu khó, tiểu nhiều lần nhưng con tôi đâu có bị vậy. Con tôi ăn ngon, ngủ yên thì bác sĩ kê cigapan - hỗ trợ biếng ăn, khó ngủ để làm gì?” - chị T. bức xúc.

Bác sĩ vô tư kê toa thực phẩm chức năng - 1

Nhiều bệnh nhân cứ nghĩ TPCN là thuốc vì họ tin bác sĩ kê toa. Ảnh: TÙNG SƠN

Tiền TPCN cao hơn thuốc

Toa thuốc của con chị T. gần 700.000 đồng nhưng TPCN chiếm đến hơn 570.000 đồng.

Ngoài toa thuốc trên, chúng tôi cũng đến nhà thuốc Viện Y Dược học dân tộc để nắm tình hình kê toa của bác sĩ. Không biết vô tình hay cố ý, đa số toa thuốc mà chúng tôi tiếp cận được, các bác sĩ đều kê toa có loại TPCN J. (viên uống được quảng cáo là tạo độ nhờn và dẻo dai cho xương khớp - NV).

Đơn cử, trong ba toa thuốc mà chúng tôi chụp lại thì bác sĩ kê cho mỗi người một lọ 30 viên, giá trị 294.000 đồng/lọ, người ít hơn là 20 viên. Toa thuốc hơn 1 triệu đồng hay vài trăm ngàn đồng cũng có sự hiện diện của J. Tuy nhiên, khi được hỏi có biết J. là TPCN không thì tất cả họ đều lắc đầu nói không biết, bác sĩ kê sao biết vậy, thấy đủ tiền thì mua, không đủ tiền thì mua một nửa!

Sẽ chấn chỉnh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Trần Văn Năm, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết viện có một số loại TPCN cần thiết nhưng chủ trương là kê thuốc chứ không kê TPCN. Viện cũng không có chủ trương cho bác sĩ kê TPCN trong đơn thuốc vì đó là quy định.

Đối với hội chứng Cushing - giảm đạm trong máu, nhiều khi do bệnh nhân uống thuốc corticoid giữ nước gây ra phù. Khi bác sĩ khám thấy những triệu chứng này thì sẽ cho thêm thuốc hoặc TPCN cần thiết. Bác sĩ cho cigapan với bệnh này là đúng do thành phần nhung hươu trong đó có acid amin nhiều, bổ dưỡng nhưng đưa vào toa thuốc là không phù hợp.

“Trước đây công ty họ đăng ký cigapan là thuốc nhưng khi đăng ký không được nên chuyển sang TPCN và BS Hoa (người kê đơn) không cập nhật nên cho chung vào đơn thuốc (?!). Viện có chủ trương là đơn thuốc chính thức và đơn thuốc hỗ trợ tách riêng ra và bác sĩ được phép cho TPCN để hỗ trợ” - BS Năm nói.

Cũng theo bác sĩ Năm, hiện ranh giới giữa thuốc và TPCN không rõ ràng. Nếu các công ty có điều kiện và đủ quy trình thì họ sẽ đăng ký là thuốc, nếu không đủ điều kiện và quy trình thủ tục thì đăng ký TPCN sẽ dễ dàng hơn. Bác sĩ có thể không nhớ hết cái nào là TPCN và cái nào là thuốc (!). Viện sẽ kiểm tra, nhắc nhở bác sĩ lưu ý chuyện này. Viện cũng sẽ lưu ý các bác sĩ là TPCN rất đắt tiền nên bác sĩ điều trị đúng chỉ định, khi bệnh nhân cần mới cho chứ đội giá thuốc lên quá bệnh nhân khó khăn về kinh tế sẽ chịu không nổi.

Quy chế không rõ ràng

Quy chế của chúng ta còn đang lấn cấn, bởi giữa thuốc và TPCN chẳng khác nhau là bao. Chỉ có khác là TPCN chưa qua nghiên cứu một cách bài bản, chưa đúng quy trình nghiên cứu về thuốc. Thiếu hồ sơ này thì đăng ký TPCN, còn đủ điều kiện thì đăng ký thuốc. Thực tế là vậy.

BS TRẦN VĂN NĂM,Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM

Không thể nói là nhầm lẫn!

Quy chế kê đơn ngoại trú của Bộ Y tế đã rất chi tiết, bác sĩ không được phép kê TPCN trong toa thuốc. Nếu vi phạm phải được xử lý theo quy định, viên chức sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức, hành nghề tư sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Hiện tại, phân biệt giữa TPCN và dược phẩm khá rõ theo quy định, không thể nói nhầm lẫn được. Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm này.

Khi có phản ánh cụ thể, có địa chỉ thì Thanh tra Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra để xử lý theo đúng quy định.

TS-BS BÙI MINH TRẠNG, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DUY TÍNH (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN