Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cách ly tại nhà, coi chừng những nguồn lây không ngờ!
Theo dõi bệnh nhân Covid-19 tại nhà gồm 2 việc: điều trị, theo dõi bệnh và cách ly để bảo vệ những người xung quanh
Nếu trong gia đình bạn phát hiện một F0 dương tính nhưng chưa kịp di chuyển đến nơi cách ly hoặc vài người trong gia đình thành F1, việc làm sao để hạn chế tối đa số F0 sẽ phát sinh là quan trọng nhất, đặc biệt là nếu trong những người chưa bệnh đó có đối tượng nguy cơ như người già, người có bệnh nền.
Theo dõi bệnh nhân Covid-19 tại nhà gồm 2 khía cạnh, một là điều trị và theo dõi bệnh, hai là cách ly để bảo vệ những người xung quanh. F1 không cần điều trị nhưng cũng cần theo dõi xem có phát sinh triệu chứng không và cách ly; vì cho dù cả nhà toàn F1 thì nhiều khi cũng có người nhiễm, người không. Cách ly mỗi người một phòng, dùng nhà vệ sinh riêng là tối ưu nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy. Vì thế, sắp xếp lại sinh hoạt trong nhà để giảm tối đa nguy cơ là điều bạn có thể làm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người dân Ảnh: Huế Xuân
Nếu ở trong phòng một mình thì F0 hay F1 không cần đeo khẩu trang nhưng các thành viên khác khi tiếp tế buộc phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và để đồ ở bên ngoài phòng. Nếu người đó cần sự chăm sóc, bắt buộc người nhà phải vào thì cần đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn kỹ càng, khử khuẩn sau đó và người chăm sóc cũng cần tự theo dõi, tự cách ly.
Nếu nhà bạn không có phòng riêng thì hãy bảo đảm luôn nằm, ngồi về một phía khác đối với các thành viên còn lại của gia đình, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Nếu treo được màn vải hay vách ngăn che chắn giữa 2 bên thì tốt.
Nhà vệ sinh có thể là nguồn lây tiềm ẩn đáng lưu ý nhất, bởi nhà vệ sinh thường nhỏ, hẹp, thông gió kém và nhiều khi người bệnh ho bên trong đó, virus không thoát ra được, bám nhiều vào các bề mặt. Người vào sau cầm, nắm các bề mặt rồi vô tình đưa lên mũi, miệng hay hít phải không khí vẫn còn các giọt bắn li ti thì sẽ nhiễm bệnh nếu người vào trước đó là F0 hay F1 đã chuyển thành F0 mà chưa xét nghiệm nên chưa biết. Phải bảo đảm không bao giờ có 2 người cùng bước vào nhà vệ sinh: thông báo cho nhau khi có người vào để các thành viên khác tránh xa.
Nếu vào nhà vệ sinh không phải để đánh răng, rửa mặt thì nhớ đeo khẩu trang liên tục. Ai sử dụng nhà vệ sinh xong thì phải tự dọn dẹp, lau chùi các bề mặt. Sau khi sử dụng nên mở cửa ra, tìm cách thông gió, có thể sử dụng quạt... để làm loãng không khí bên trong nhà vệ sinh một lúc thì người khác hãy vào.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế...
Nguồn: [Link nguồn]