Bác sĩ tâm sự về y đức sau status "gây bão" trên facebook
TS.BS Ngô Mạnh Hùng – Phó trưởng khoa Phẫu thuật Thần Kinh Bệnh viện Việt Đức đã chia sẻ về vấn đề y đức trên trang cá nhân của mình sau khi nghe được chuyện hai cô gái nói về y đức trong lúc chờ đèn đỏ.
Phẫu thuật thần kinh bệnh viện Việt Đức. Ảnh minh họa.
Bài viết đã nhận được rất nhiều chia sẻ cũng như những bình luận của các đồng nghiệp và ngay cả bệnh nhân, người nhà của họ.
Tâm sự với báo điện tử Infonet.vn, Tiến sĩ Hùng cho biết thực ra đó chỉ là 1 trong hàng trăm câu chuyện anh nghe những người khác nói về bác sĩ, thậm chí họ còn chửi ngay trước mặt anh. Khi viết chia sẻ đó, anh Hùng không nghĩ rằng nó lại nhận được sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng như thế. Bản thân anh Hùng cũng rất ít khi viết những status về nghề nghiệp trên mạng xã hội.
Khi viết về chuyện y đức anh chỉ nghĩ đó là chia sẻ với bạn bè vì trong trang cá nhân của anh có chỉ có vài trăm bạn bè và chủ yếu là đồng nghiệp. Ngay sau khi status đăng lên có hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Anh Hùng cảm thấy đây cũng là nơi để anh có thể học hỏi thêm cách ứng xử của mình ở bệnh viện để sao cho người bệnh hiểu được tâm ý của mình hơn.
Là bác sĩ chuyên phẫu thuật thần kinh, sọ não, ở bệnh viện đầu ngành, anh Hùng cho biết lúc nào đầu óc bác sĩ cũng căng như dây đàn nên có lúc căng thẳng, người nhà bệnh nhân hỏi bác sĩ hay cáu và chưa truyền đạt hết ý của mình mặc dù tâm của bác sĩ thì lúc nào cũng mong muốn tốt nhất cho người bệnh. Nhưng đôi khi người nhà bệnh nhân thấy bác sĩ mặt hay cau có, lạnh lùng nên họ có suy nghĩ khác.
Anh Hùng cho biết dù là bác sĩ nhưng đôi khi cách giao tiếp và ứng xử của anh cũng như nhiều đồng nghiệp chưa hoàn thiện nên lúc nào anh cũng phải học hỏi thêm cách giao tiếp để có thể truyền tải tốt hơn. Sau status gây bão này, anh Hùng tự nhận thấy mình còn những gì chưa được trong ứng xử ở môi trường bệnh viện và sẽ thay đổi cho phù hợp hơn.
Còn chia sẻ về chuyện tiền nong, anh Hùng chỉ cười “đúng bác sĩ rất vất vả, người ta chỉ nhìn thấy bề nổi là công việc của họ ở bệnh viện mà chưa thấy những cái vất vả phía sau. Đó là nghề y lúc nào cũng phải học hỏi thêm tri thức để phục vụ cho nghề nghiệp”.
Hơn 10 năm làm việc ở một khoa “đầu sóng ngọn gió” của sự sống và cái chết, bác sĩ Hùng tâm sự, thứ anh ám ảnh nhất không phải máu, không phải vết thương của người đang nằm trên cáng, mà là những giọt nước mắt của người nhà bệnh nhân, khóc vì thương người thân, khóc vì bất lực sẽ lấy đâu ra tiền làm phẫu thuật.
"Bản thân là người có tính cẩn thận cho nên trước mỗi ca mổ tôi luôn gặp người nhà bệnh nhân để thông báo rõ ràng về tình trạng của bệnh nhân. Nhưng khi nhận được điện thoại họ lại luôn tìm cách trốn tránh vì nghĩ rằng bác sĩ gọi vào để bắt đưa tiền. Tôi đã từng phải giải thích hàng ngàn lần với người nhà bệnh nhân rằng họ sẽ không cần đưa cho tôi một đồng tiền nào mà tôi vẫn đảm bảo làm hết sức cứu chữa cho người thân của họ” – TS Hùng tâm sự.
Với mong muốn được chia sẻ nhiều nhất, bác sĩ Hùng tâm sự: "Làm bác sĩ đã có đủ thứ áp lực rồi, tôi chỉ mong các bạn có thể thấu hiểu và chia sẻ với chúng tôi. Hai ngành mà được một số người dành tặng những lời khiếm nhã nhiều nhất là công an và bác sĩ, bởi chúng tôi là những người phục vụ cộng đồng chẳng khác gì làm dâu trăm họ. Làm tốt thì không sao, chả ai nhớ tới vì mọi người cho rằng đấy là trách nhiệm của chúng tôi. Làm sai sót một chút thì “tiếng thơm” gắn với muôn đời.
Có nhiều bạn cho rằng bác sĩ là những người khó gần tự cao tự đại, không bao giờ thấy nét mặt hòa nhã vui vẻ. Vậy bạn đã bao giờ thử tưởng tượng ra những áp lực mà chúng tôi đang gánh trên vai mỗi ngày chưa ạ?
Tại sao một số bạn lại quy chúng tôi thành người của công chúng khi xuất hiện luôn phải tươi tắn mỉm cười, chỉ cần một chút cau có sẽ biến thành thái độ hành xử không đúng đắn với người nà bệnh nhân.
Bạn vào bệnh viện chăm người ốm một ngày đã thấy khó chịu vì không khí ngột ngạt, mùi thuốc, mùi cồn. Còn tôi gắn bó với môi trường ấy mỗi ngày trong suốt 10 năm qua và sẽ còn phải tiếp tục trong nhiều năm sau nữa”- chia sẻ của TS Hùng.