Bác sĩ ở tâm dịch: “Vợ tôi chủ động hỏi khi nào anh đi Bắc Giang"
"Trong đợt dịch này, chúng tôi biết Bắc Giang là tâm dịch rất nặng nề. Chính vì thế, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để tiếp sức đồng nghiệp ở tâm dịch bằng cả trái tim", bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng - Phó Khoa Hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đà Nẵng - Trưởng đoàn y tế Đà Nẵng chi viện Bắc Giang chia sẻ.
Đoàn chi viện Đà Nẵng nhanh chóng có mặt ở Bắc Giang sau khi có lệnh điều động, có vẻ các anh luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường?
Đà Nẵng cũng đã có giai đoạn chống dịch khó khăn hồi giữa năm 2020. Khi chúng tôi khó khăn, các địa phương khác đã chi viện kịp thời, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, và lần này là cơ hội để chúng tôi đáp lại. Chúng tôi đem đến đây 10 thành viên tinh nhuệ, đều là những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 Đà Nẵng để đến với Bắc Giang.
Trong đợt dịch này, chúng tôi biết Bắc Giang là tâm dịch rất nặng nề. Là đồng nghiệp, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để chi viện, tiếp sức các đồng nghiệp ở Bắc Giang bằng cả trái tim mình. Vì đợt dịch Đà Nẵng, hơn ai hết, chúng tôi cũng thấu hiểu được giai đoạn cực khổ của nơi tâm dịch - trong khi Bắc Giang lần này ca nhiễm nhiều hơn, ca nặng cũng nhiều hơn.
Ngoài ra, với cá nhân tôi, miền Bắc cũng như quê hương vì tôi có 10 năm theo học Đại học và Cao học tại trường Đại học Y Hà Nội. Không có lý do gì mà quê hương cần chúng ta lại không lên đường. Tôi và các y bác sĩ BV Đà Nẵng đã có mặt ở đây và mong muốn góp sức cùng Bắc Giang chống dịch bằng tất cả những gì mình có.
BS Nguyễn Tấn Hùng đã có buổi làm việc tại BV Phổi Bắc Giang
Chủng virus SARS-CoV-2 lần này được đánh giá nguy hiểm hơn những chủng trước. Vậy anh và đoàn chi viện đã có sự chuẩn bị thế nào?
Như đã chia sẻ, đoàn nhân viên y tế Đà Nẵng đi chi viện lần này gồm 10 người, trong đó có 3 bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực và 7 điều dưỡng. Họ đều là những người đã kinh qua các mùa dịch tại Đà Nẵng gần 2 năm qua và có nhiều kinh nghiệm trong điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Khi đến Bắc Giang, đoàn Đà Nẵng đến Bệnh viện Tâm thần – nơi tập trung điều trị các ca bệnh nặng. Trước đó, tất cả y bác sĩ trong đoàn đều đã được tiêm mũi thứ nhất vaccine phòng COVID-19 và được đào tạo rất bài bản về công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cố gắng đảm bảo phương tiện phòng hộ kỹ càng, áp dụng đúng phương pháp, quy trình của Bộ Y tế. Chúng tôi không có gì lo lắng, kể cả các điều dưỡng trẻ. Chuyến đi lần này các y, bác sĩ đều xác định trên tinh thần khi nào dẹp yên dịch COVID-19, hoàn thành nhiệm vụ mới trở về.
Nhưng thực tế, đặc thù các bệnh nhân nặng lần này tại Bắc Giang chủ yếu là các công nhân trẻ - khác hoàn toàn với những bệnh nhân nặng ở Đà Nẵng?
Tôi cho rằng bệnh nhân trẻ càng có khả năng phục hồi tốt hơn bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền tại Đà Nẵng. Thời điểm đó, nhiều ca 70-80 tuổi chúng tôi vẫn cứu được. Hy vọng lần này đến Bắc Giang, chúng tôi có thể cứu được tất cả bệnh nhân!
Trước đó, BS Nguyễn Tấn Hùng cũng cùng ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB đi khảo sát BV Tâm thần - Trung tâm hồi sức tích cực
Với những quyết tâm đó, chắc hẳn anh cũng nhận được sự cổ vũ, ủng hộ rất lớn từ gia đình?
Vâng, như tôi đã chia sẻ, chuyến đi lần này các bác sĩ đều xác định trên tinh thần khi nào dẹp yên dịch, hoàn thành nhiệm vụ mới trở về. Vợ tôi quen với việc chồng đi nhiều rồi.
Hồi Hải Dương bùng dịch, vợ hỏi tôi: Anh có đi Hải Dương không? Rồi khi tình hình Bắc Giang bắt đầu có những ca nặng, vợ lại hỏi: "Khi nào anh đi Bắc Giang?" Cô ấy chủ động hỏi luôn trong khi chưa có lệnh điều động gì. Không chỉ những y bác sĩ chúng tôi mà ngay cả gia đình cũng luôn trong tâm người thân sẵn sàng lên đường chống dịch. Với tất cả những quyết tâm đó, chúng tôi hy vọng có thể giúp tỉnh Bắc Giang sớm chiến thắng trong đợt dịch này.
Xin cảm ơn chia sẻ của BS Nguyễn Tấn Hùng!
Hàng loạt công ty, tòa nhà văn phòng tại TPHCM phát hiện các ca mắc COVID-19, trong đó có nơi tới 44 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2...
Nguồn: [Link nguồn]