Bác sĩ nhọc nhằn “bắt” tinh trùng cho quý ông vô tinh
Giữa hàng triệu tinh binh yếu, các bác sĩ nam học vẫn phải cố gắng căng mắt và soi cho bằng được 1 tinh trùng sống.
Ths. BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu và Nam học - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ với phóng viên về những vấn đề liên quan đến những quý ông vô tinh.
Xin bác sĩ cho biết, nguyên nhân nào dẫn đến chứng vô tinh (không tinh trùng) ở nam giới?
Vô tinh hay còn gọi là không tinh trùng thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam. Vô tinh có thể hiểu là tình trạng nam giới xuất tinh nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn. Nguyên nhân thứ hai do tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng, tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc, thường sẽ khó khăn hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô tinh, bao gồm: quai bị teo tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, bệnh về nội tiết tố, cường giáp hoặc suy giáp...
Ths. BS Đinh Hữu Việt (áo trắng thứ 3 từ bên trái sang) đang khám và tư vấn cho bệnh nhân.
Trường hợp tinh hoàn bị tổn thương, hay viêm, xoắn cũng có thể gây vô tinh. Mặt khác, các bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, viêm túi tinh... không được điều trị triệt để có thể dẫn đến tắc nghẽn đường dẫn tinh gây vô tinh bế tắc.
Vậy người đàn ông vô tinh đồng nghĩa với việc không thể có con theo cách tự nhiên?
Trường hợp không có tinh trùng nguyên nhân do tắc có thể mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Trong trường hợp không có tinh trùng do tinh hoàn sản xuất kém có thể mổ vi phẫu để “bắt” từng con tinh trùng và tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi rồi chuyển vào tử cung người phụ nữ.
Bác sĩ có thể nói rõ hơn kỹ thuật nào hiện nay có thể dùng để “bắt” tinh trùng của người vô tinh?
Trường hợp vô tinh do tắc ống dẫn tinh thì dùng kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da. Kỹ thuật này khá đơn giản, có thể chọc qua da và thường sẽ lấy được tinh trùng rất nhiều vì quá trình sinh tinh diễn ra bình thường, chỉ có ống dẫn tinh bị tắc.
Kỹ thuật thứ 2 là chọc hút tinh trùng từ mào tinh nhưng sau khi đưa mào tinh ra ngoài. Kỹ thuật thứ 3 sâu hơn là phân mô tinh hoàn để tìm tinh trùng.
Còn với trường hợp tinh hoàn tổn thương quá nặng do quai bị, tinh hoàn bị teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém thì thường cần dùng đến kỹ thuật phân mô tinh hoàn để tìm tinh trùng.
Kỹ thuật này hiện khá mới tại Việt Nam và cũng được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng cho những bệnh nhân vô tinh.
Ths. BS Đinh Hữu Việt chuẩn bị cho một ca tìm bắt tinh trùng.
Như bác sĩ vừa nói, bắt từng con tinh trùng là “cứu cánh” cuối cùng cho bệnh nhân vô tinh. Vậy việc dùng kỹ thuật này để tìm tinh trùng có phải rất phức tạp?
Có thể hình dung kỹ thuật này giống như việc chúng ta phóng đại tinh hoàn từ bé như quả quất thành quả bưởi. Xong bác sĩ sẽ khéo léo rạch, bóc từng múi bưởi ra rồi xem trong đó có những tép bưởi nào tốt, tương đương với những ống sinh tinh tốt. Tức Micro TESE là biện pháp can thiệp sâu để bác sĩ “bới móc” toàn bộ tinh hoàn để tìm từng con tinh trùng. Khi tìm tinh trùng trên những mẫu mô nhỏ như vậy thì việc lọc tách cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Nếu như một người đàn ông bình thường mỗi lần xuất tinh có thể được hàng trăm triệu tinh trùng thì việc dùng kỹ thuật này đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục tinh trùng vừa đủ để làm ống nghiệm. Mặt khác, bác sĩ mổ có kinh nghiệm phải là người “canh” rất chuẩn sao cho tinh trùng lấy ra là vừa đủ, không lấy quá nhiều mô gây tổn thương tinh hoàn.
Với phương pháp bắt từng con tinh trùng chúng tôi hầu như phải “nâng niu” từng mẫu mô để tìm từng tinh trùng một.
Giữa hàng triệu tinh binh yếu chết như ngả rạ, các bác sĩ vẫn phải cố gắng căng mắt và soi cho bằng được một tinh trùng sống. Chỉ cần chúng động đậy một chút, phải “bắt” ngay.
Nhiều bệnh nhân tìm đến bệnh viện khi trước đó từng đi xét nghiệm nhiều nơi và không thấy con tinh trùng nào cả.
Họ gần như đã tuyệt vọng. Nhưng khi dùng phương pháp này, chúng tôi lại tìm thấy tinh trùng và chính bệnh nhân cũng được nhìn thấy tinh trùng của mình. Có thể những tinh trùng ấy không di động nhanh nhưng cả bác sĩ và bệnh nhân đều rất hạnh phúc.
Khoảng 200 bệnh nhân mổ tìm tinh trùng tại bệnh viện thì có khoảng trên 50% tìm thấy tinh trùng. Trong đó, hơn 90% bệnh nhân bị teo tinh hoàn sau quai bị, tinh hoàn < 3ml, nội tiết FSH tăng rất cao mổ có tinh trùng. Nhóm bệnh nhân bất thường về gen, nhiễm sắc thể, dừng sinh tinh nửa chừng tỷ lệ tìm thấy tinh trùng thấp.
Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về các ca điều trị thành công tại bệnh viện để những ai rơi vào trường hợp tương tự có thêm hy vọng?
Hầu hết các ca mà chúng tôi tiếp nhận điều trị tại viện đều là những ca khó, tâm lý người bệnh cũng rất bế tắc vì trước đó họ đã thử nhiều cách. Như trường hợp anh L.C.Thanh bị quai bị từ nhỏ.
Biết mình không thể có con theo cách thông thường, vợ chồng anh hầu như đã “vái tứ phương”. Năm 2015, anh tìm đến bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Đến khi can thiệp bằng phương pháp bắt tinh trùng thì mới thành công. May mắn, cuối cùng vợ chồng anh Thanh đã sinh một cháu gái khỏe mạnh, chuyển phôi lần hai đang mang bầu và còn nhiều phôi trữ đông tại bệnh viện.
Trong suốt quá trình điều trị, cả hai vợ chồng cũng từng rơi vào khủng hoảng dù đã chuẩn bị tâm lý. Tuy nhiên, cả bệnh nhân và bác sĩ đều không bỏ cuộc.
Chúng tôi hay nói vui rằng, điều trị hiếm muộn là quá trình luyện tim, luyện sức chịu đựng vì tất cả các cung bậc cảm xúc từ lo lắng đến hồi hộp rồi vỡ oà hạnh phúc đều trải qua.
Tôi khuyên bệnh nhân là dù có mắc vô sinh vì bất kỳ lý do nào thì cũng nên cố gắng giữ tinh thần lạc quan vì yếu tố tinh thần có thể đóng góp đến 50% khả năng thành công khi điều trị.
Nếu không muốn bị gọi là “yếu sinh lý“ hoặc nhanh chóng có em bé, nhất định nam giới cần tránh những thói quen ảnh hưởng...